Sandals
Giày giám mục. Là giày với phần trên bằng lụa thêu hay nhung thêu, được Đức Giáo hòang, giám mục và các giám chức khác mang trong các nghi thức trọng thể. Các đan sĩ, tu sĩ nam và nữ tu thuộc các Dòng đi chân đất mang xăngđan da, nhưng tu sĩ các Dòng khác cũng mang, tùy theo luật sống của họ.
Sanguine Temperament
Khí chất đa huyết. Là một trong bốn khí chất cổ điển, có đặc tính là dễ vui và lạc quan, cả trong khi gặp khó khăn lớn. Tuy nhiên người có khí chất này phải cẩn thận đừng để quên đi các vấn đề, hoặc không dám đối diện với thực tế vấn đề.
Sanhedrin
Thượng Hội đồng Do thái, công nghị. Là tòa án tối cao của Do Thái giáo, họat động từ thế kỷ thứ ba hoặc thứ tư trước Công nguyên, cho đến khi thành Jerusalem sụp đổ năm 70. Trong nhiều thế kỷ trước đó, đã có các tòa án hoặc hội đồng, nhưng không thể biết khi nào thành hình thật sự Thượng Hội đồng Do thái. Josephus, sử gia Do Thái, là tác giả đầu tiên gọi tên Thượng Hội đồng Do thái, khi nó họat động dưới thời Vua Antiochus Đại đế. Thượng Hội đồng Do thái gồm có 71 thành viên, được chọn từ ba tầng lớp người Do thái—trưởng lão của các gia đình lớn, các thượng tế và các kinh sư, đa số là luật sư của phái Pharisee (Pha-ri-sêu). Phái Sadducee (Xa-đốc) luôn có nhiều đại diện. Thẩm quyền của Thượng Hội đồng Do thái chỉ giới hạn trong vùng Judaea (Giu-đê-a), do đó tòa này không có hành động chống lại Chúa Giêsu, khi Chúa rao giảng ở vùng Galilee (Ga-li-lê.) Thượng Hội đồng Do thái họp trong khu vực Đền thờ Jerusalem (Giê-ru-sa-lem). Bất cứ người Do thái nào cũng có thể xuất hiện trước tòa để nhờ làm sáng tỏ các điều phức tạp trong luật Moses (Mô-sê.) Thượng Hội đồng Do thái có quyền đưa ra phán quyết trừng phạt những ai vi phạm luật (Mt 26:47-50; Mc 14:43-46), trong đó có cả án tử hình nữa (Mc 14:64; Ga 11:53). Nhưng, như đã xảy ra trong vụ đóng đinh Chúa Giêsu vào Thánh giá, Thượng Hội đồng Do thái cần xin sự chuẩn thuận của quan tổng trấn Roma trước khi án tử hình được thi hành (Mc 15:1). Phần lỗi do kết án Chúa cách bất công là một phần thuộc về phần tử quá khích trong Thượng Hội đồng Do thái (Ga 18:31), và một phần thuộc về quan chức Roma chính thức muốn xoa dịu nhóm người địa phương hùng hổ (Mc 15:15). Việc Thượng Hội đồng Do thái bách hại Kitô hữu không chấm dứt sau cái chết của Chúa Giêsu. Nó còn tiếp tục sau lễ Ngũ Tuần, như trong trường hợp các thánh Phêrô, Phaolô, Gioan và Têphanô (Cv 4:3, 5:17-18, 5:33, 7:57-58, 23:1-10). (Từ nguyên Hi Lạp synedrion, hội đồng, một nhóm người hội họp chung.)
Santa Claus
Santa Claus, Ông già Noel. Là từ ngữ tiếng Mỹ của từ ngữ Hà Lan là thánh Nicholas (Sint Nikolaas), giám mục giáo phận Myra ở Lycia, sống dưới thời vua Diocletian. Từ lâu ngài được tôn kính như vị thánh bổn mạng của nhi đồng, đem quà cho trẻ em vào ngày 6-12, và việc ngài liên kết với Lễ Chúa Giáng Sinh đã được người Tin Lành Hà Lan phổ biến ở New Amsterdam. Họ vẽ ngài như một pháp sư Bắc Âu. Hiện nay ngài được cho là hiện thân thế tục hóa của tinh thần Lễ Noel.
Santa Cruz
Santa Cruz, “Thánh giá.” Là một nhà thờ truyền giáo thành lập ngày 25-9-1791, ở Vịnh Monterey tại Santa Cruz, bang California (Mỹ.)
Sarabites
Đan sĩ tự lập Sarabite. Là một giới đan sĩ khổ hạnh trong thời Giáo hội sơ khai, họ sống hoặc trong nhà riêng, hoặc sống từng nhóm nhỏ gần thành phố, và không biết bề trên cao hơn của mình. Thánh Biển Đức nói về họ cách mạnh mẽ trong chương đầu của Luật ngài, vì họ là người tự quyết định điều gì thánh và điều gì là không thánh, và do đó đi theo tính kiêu ngạo của mình. Từ ngữ này vẫn còn được dùng để mô tả các tu sĩ làm theo ý riêng của mình và độc lập với huấn quyền của Giáo hội.
Saragossa (Shrine)
Đền thánh Saragossa. Là đền thánh dâng kính Đức Mẹ Cột, gần thành phố Saragossa, miền đông bắc Tây Ban Nha, nơi Đức Mẹ cho là đã hiện ra thời Giáo hội sơ khai, yêu cầu xây dựng một nhà thờ ở đó để dâng kính Mẹ. Sau cuộc hiện ra, cột đá ngọc thạch anh, mà Đức Mẹ đứng trên đó, vẫn còn đó và nó trở thành một thánh tích rất được mến mộ. Một nhà thờ được xây theo yêu cầu và cột đá đứng ở trong nhà thờ. Cột đá cao 1,8m hầu như được để tự nhiên, nay được bọc bằng bạc. Trên cột đá là một tượng gỗ Đức Mẹ màu đen, cao khỏang 37,5cm, được dát vàng. Áo của Đức Mẹ được thay đổi luôn, dường như mỗi ngày mỗi kiểu. Việc sùng kính Đức Mẹ Cột, khởi xướng ở Saragossa, đã được các người thám hiểm Tây Ban Nha mang qua Tân Thế giới, và các khu truyền giáo của họ hãnh diện về nhiều phép lạ nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ. Một số trong các phép lạ khác thường nhất tại đền thánh đã được chứng thực bằng người làm chứng có thề hứa. Đức Trinh Nữ Cột trở thành chủ đề trong kinh nguyện, thánh ca và sự biểu lộ lòng yêu nước. Đức Mẹ thường được cầu khẩn trong tình trạng khẩn cấp chiến tranh. Thủ cấp của Don John nước Áo, một Kitô hữu thắng trận tại Vịnh Lepanto, an nghỉ gần cột đá thánh trong đền thánh Đức Mẹ.
Sarah
Sarah, bà Xa-ra. Là vợ của ông Abraham (Áp-ra-ham.) Tên nguyên thủy của bà là Sarai (Xa-rai), nhưng khi Đức Chúa hứa với Abraham rằng vợ ông sẽ sinh một con trai, Chúa dạy ông hãy đổi tên vợ thành Sarah (St 17:15). Vì bà đã 90 tuổi, bà chế giễu lời hứa ấy, tuy nhiên Đức Chúa giữ lời Ngài hứa. Đứa trẻ chào đời và ông Abraham vâng lời Chúa đặt tên con trẻ là Isaac (I-xa-ác, St 21:2-3). Một tình hình rắc rối xảy đến cho ông Abraham khi Isaac lớn lên thành thiếu niên. Vì trước đó vài năm bà Sarah cho phép nữ tì của mình là Hagar (Ha-ga) trở thành vợ bé của ông Abraham (thời ấy cho phép như thế), và một con trai là Ishmael (Ít-ma-ên) ra đời. Giờ đây bà Sarah cũng có con trai nữa, bà lấy làm buồn về tình hình mà chính bà đã gây ra. Bà nói với Abraham: “Ông hãy đuổi hai mẹ con đứa nữ tỳ này đi, vì con trai đứa nữ tỳ không được thừa kế cùng với I-xa-ác, con trai tôi” (St 21:10). Abraham bị buộc phải làm như vậy, nhưng Đức Chúa che chở Hagar và Ishmael, và bảo đảm với họ rằng sẽ cho Ishmael thành một dân tộc lớn (St 21:17-21). Sarah sống 127 tuổi và qua đời ở Hebron (Khép-rôn), miền Canaan (Ca-na-an, St 23:1-2). Khi Abraham qua đời nhiều năm sau đó, hai con trai Isaac và Ishmael chôn cất ông bên cạnh mộ Sarah (St 25:9-10). (Từ nguyên Do Thái cổ S_r_h, “công chúa.”)
Sarum Rite
Nghi lễ Sarum. Là qui định về chi tiết của phụng vụ Roma, khi chúng được thực hiện trước thời Cải cách ở Anh, Scotland, và Ireland. Nghi lễ này được bảo trợ bởi thánh Osmund, Giám mục giáo phận Salisbury (qua đời năm 1099), người đã đưa một số truyền thống phụng vụ Norman vào nghi lễ Latinh. Nghi lễ Sarum rất giống với nghi lễ Dòng Đaminh ngày nay, và nó được nghi lễ Roma duyệt lại của thánh Giáo hòang Piô X thay thế.
Satan
Satan, tướng quỷ, quỷ, Xa-tan. Là tướng của các thiên thần sa ngã. Là kẻ thù của Chúa, của nhân loại và của mọi sự tốt lành. Các tên khác của Satan là quỷ dữ, Beelzebul (Bê-en-dê-bun), Belial (Bê-li-a), và Lucifer. Con rắn cám dỗ bà Eve (E-va) được đồng hóa với Satan (St 3). Cả trong Cựu Ước và Tân Ước, Satan được xem là kẻ thù của Chúa, đem sự dữ và cám dỗ con người thách thức luật Chúa (Kn 2:24; I Sb 21:1; G 1:6-12). Ngay cả Chúa Giêsu cũng bị Satan cám dỗ trong hoang địa (Mt 4:1-11). Sau đó, chính phái Pharisee (Pha-ri-sêu) đã tố cáo Chúa Giêsu là “Ông này trừ được quỷ chỉ là nhờ dựa thế quỷ vương Beelzebul” (Mt 12:24). Thánh Phaolô cảnh báo tín hữu Côrintô chống lại cám dỗ của Satan (I Cr 7:6). Các qui chiếu đến Satan có rất nhiều trong Kinh thánh. Nét chính của giáo huấn này là rằng một thế lực ác xấu đang hoạt động trong thế giới, cố gắng làm hư hỏng các kế hoạch của Chúa. (Từ nguyên Latinh Satan; từ chữ Hi Lạp Satan; từ chữ Do thái cổ s_t_n, sự dữ, kẻ thù; từ chữ s_t_n, âm mưu chống lại người khác.)
Satanism
Phái thờ Satan (Xa-tan), quỷ quái. Là việc thờ Satan, thờ phượng ma quỷ. Việc này đã có từ thời thượng cổ, được thực hành dưới tên khác nhau nơi người đa thần giáo, trong việc cầu khẩn và làm nguôi giận các thần dữ. Nhưng phái thờ Satan được gọi đúng tên là một sự phản lọan chống lại Kitô giáo hoặc Giáo hội Công giáo. Phái này xuất hiện trong thế kỷ 12 và đạt đỉnh cao trong Thánh Lễ Đen, một sự bắt chước có tính hài hước Hy tế Tạ ơn. Phái thờ Satan hiện đại đã lan rộng trong các nhóm tôn thờ ma quỷ, cầu xin quỷ trợ giúp, làm các nghi thức thờ quỷ, trong đó có vẽ biếm hoạ bảy phép Bí tích, thiết lập “Giáo hội của Satan" được công nhận về pháp lý, và cho rằng có quyền siêu phàm để làm hại những ai chống lại họ. Về mặt triết học, phái thờ Satan lấy quan niệm của phái Manikêô (nhị nguyên) về vũ trụ, cho rằng có hai nguyên lý sáng tạo trong vũ trụ, nguyên lý lành và nguyên lý dữ. Phái thờ Satan tôn thờ điều mà Kitô hữu gọi là “nguyên lý sự dữ.”
Satisfaction
Đền tội. Là sự đền tội cho điều sai trái, nhất là thực hiện việc đền tội do linh mục nêu ra trước khi ngài ban xá giải. Việc đền tội chủ yếu là hối nhân muốn chấp nhận việc đền tội đã đưa ra và thực thi đầy đủ. Hiệu quả của hai yếu tố này là cất đi ít nhiều hình phạt tạm do các tội đã được xưng. Trong thời Giáo hội sơ khai, cho đến thời Trung Cổ, việc đền tội thường là nghiêm khắc. Sau thời ấy, việc đền tội giảm nhẹ hơn qua điều đã được biết với tên gọi là các ân xá. (Từ nguyên Latinh satisfacere: satis, vừa, đủ + facere, làm, thực hiện.)
Saturday
Ngày thứ bảy. Được gọi theo tên thần Roma là thần Saturn, Ngày thứ bảy của một tuần lễ được Giáo hội dành để kính Đức Trinh Nữ Maria. Từ thời các Giáo phụ, Ngày thứ bảy được dùng để nhớ đến đức tin trung thành của Đức Mẹ trong Ngày thứ bảy Tuần thánh đầu tiên, khi Chúa Kitô nằm trong mồ. (Từ nguyên tiếng Anh trung cổ Saterday; từ Anh cổ Saeterdaeg, viết tắt của Saeternegdaeg, ngày của thần Saturn.)
Saul
Saul, Sa-un. Là con trai của ông Kish (Kít); ông cai trị Israel với tư cách là vị vua đầu tiên trong 20 năm vào khỏang năm 1000 trước Công nguyên. Ông là người cao ráo, trẻ và đẹp trai (I Sm 9:2-3), nhưng nhân cách phức tạp của ông đem đến cho ông nhiều rắc rối. Khi dân Israel xin ông Samuel (Sa-mu-en), vị ngôn sứ và thủ lĩnh rất đáng kính trọng của họ, tấn phong cho họ một vị vua để bảo vệ an ninh cho họ, Samuel cầu xin Đức Chúa, và Chúa gợi ý ông Saul làm vua (I Sm 8-10). Trong thời đầu, Saul chứng tỏ là rất thành công nhờ các chiến thắng quân sự (I Sm 11:14-15), nhưng ông không chứng tỏ sự kính trọng hoặc vâng lời Đức Chúa, và Samuel, người xin tước Vua cho ông, đã tỉnh ngộ. Thay vào đó, Samuel khuyến khích sự thăng tiến của người con rể của Saul là David (Đa-vít), và đã bí mật xức dầu tấn phong cho David như là vị vua tương lai (I Sm 13:8-15). Saul trở nên ghen ghét với David và đã nhiều lần cố gắng giết hại ông. Mỉa mai thay, cả công chúa của Saul là Michal (Mi-khan), người đã kết hôn với David (I Sm 19:11-12), và hòang tử Jonathan, con vua, đứng về phe chàng thanh niên David chống lại thân phụ của họ, và đã làm mọi cách để bảo vệ David khỏi ông vua tức giận điên cuồng (I Sm 19:1-7). Cuối cùng, trong trận chiến ác liệt giữa người Do Thái và người Philistine (Phi-li-tinh), cả ba hòang tử của Saul đều tử trận. Bị thương nặng, vua Saul tự sát luôn (I Sm 31:1-6). Việc này dọn đường cho David trở thành Vua của Israel trong 40 năm kế đó.
Savior
Đấng Cứu Thế, Vị Cứu Tinh. Là một tước hiệu của Chúa Giêsu Kitô, nổi lên từ việc hy sinh mạng sống của Ngài để cứu chuộc tòan thể nhân lọai, và nhờ đó Ngài đã mang lại cho nhân lọai tội lỗi các ân sủng cần thiết để đạt tới thiên đàng. Như thế chỉ nhờ việc đền tội của Chúa Kitô và lời cầu khẩn Danh Chúa mà mỗi người có thể được cứu độ (Cv 4:12). (Từ nguyên Latinh salvator, từ chữ salvare, cứu vớt.)
S.C.
S.C., Sacra Congregatio—Thánh bộ.
Scala Sancta
Scala Sancta, Cầu thang thánh. Là cầu thang với 28 bậc thang bằng cẩm thạch, nay được phủ gỗ lên, dẫn lên nhà nguyện giáo hòang trong Điện Lateran. Cầu thang này được cho là cầu thang ở tư dinh quan Pilate (Phi-la-tô), được Chúa Cứu thế thánh hóa bằng cách bước lên cầu thang trong cuộc Khổ Nạn của Chúa. Cầu thang thánh được thánh nữ Helena mang về Roma, và khách hành hương quỳ gối để lên cầu thang này.
Scales
Cái cân. Là biểu tượng của tổng lãnh thiên thần Michael (Mi-ca-e), vị thánh bổn mạng của những người dùng cân trong nghề nghiệp của họ, bởi vì thánh Michael được xem là vị thực hiện quyết định về số phận muôn đời của mỗi người trong ngày Phán Xét. Phẩm thiên thần bệ thần (Thiên tòa) cũng có biểu tượng tương tự, dựa vào câu “Chúa là vị thẩm phán chí công, Ngài ngự Thiên toà xét xử, bênh vực và bảo vệ quyền lợi con" (Tv 9:5).
Scandal
Gương mù, gương xấu, sự vấp phạm, tai tiếng. Là bất cứ hành vi hay sự thiếu sót nào, không nhất thiết là có tội trong chính nó, dường như dẫn dụ người khác làm điều sai trái về luân lý. Gương xấu trực tiếp, còn gọi là gương ma quỷ, có ý định cố ý dẫn dụ người khác phạm tội. Trong gương xấu gián tiếp, một người làm điều gì mà đã đóan trước rằng nó sẽ ít nhất dẫn một người phạm tội, nhưng điều này là bị buộc phải làm hơn là mong muốn làm. (Từ nguyên Latinh scandalum, vật chướng ngại.)
S.C.C.
S.C.C., Sacra Congegatio pro Clericis—Thánh bộ Giáo sĩ.
S.D.
S.D., Servus Dei—Tôi tớ Chúa, Tôi tớ của Thiên Chúa
Septuagesima
Septuagesima, Chủ nhật Bảy Mươi. Là ngày thứ 70 trước lễ Phục Sinh, và là Chủ nhật thứ ba trước mùa Chay. Từ ngữ này không còn sử dụng trong Nghi lễ Latinh, từ khi phụng vụ được duyệt lại sau Công đồng chung Vatican II.
Septuagint
Septuagint, Bản Bảy Mươi. Là bản dịch quan trọng nhất của Cựu Ước, từ tiếng Do thái cổ ra tiếng Hi Lạp. Truyện kể rằng Vua Ai Cập Ptolemy II (309-246 trước Công nguyên) muốn có một bản chép Luật Do thái cho thư viện của ông. Eleazer, thượng tế Do thái, phái sáu học giả từ mỗi một trong Mười Hai Chi tộc đến Alexandria để dịch phần Kinh thánh này. Do số người của họ là 70, bản dịch hợp tác của họ được gọi là Bản Bảy Mươi, viết tắt là LXX. Kitô hữu thời kỳ đầu dùng Bản Bảy Mươi làm nền tảng cho niềm tin của họ vào Chúa Giêsu như là Đấng Thiên sai (Messiah, Mê-si-a.) Qua dòng thời gian, bản này trở thành sở hữu của Kitô giáo, trong khi người Do thái không quan tâm tới nó nữa. (Từ nguyên Latinh septuaginta, bảy mươi.)
Sepulcher
Chỗ hổng đựng đá thánh. Là một hốc nhỏ ở tảng đá bàn thờ, trong đó đặt thánh tích của một thánh nhân. Theo các qui định của Giáo hội từ Công đồng chung Vatican II “tập tục đặt thánh tích các thánh, dù là tử vì đạo hay hiển tu, vào trong hay dưới bàn thờ cung hiến, là được tán dương. Nhưng điều quan trọng là phải chứng thực đó là thánh tích thật sự" (Ordo Missae ‘Nghi thức Thánh lễ’, V, 266). (Từ nguyên Latinh sepulcrum, mồ, từ chữ sepelire, chôn cất.)
Sequence
Ca tiếp liên. Là một bài ca vui mừng được hát hay đọc trước bài Tin mừng trong Thánh lễ vào một số ngày lễ lớn trong năm. Các ca tiếp liên còn được sử dụng là ca tiếp liên Victimae Paschali (Tán tụng Chiên Vượt Qua) lễ Phục sinh, ca tiếp liên Veni Sancte Spiritus (Lạy Chúa Thánh Thần Tạo Dựng, xin ngài hãy đến) lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và ca tiếp liên Lauda Sion (Hỡi Sion hãy ngợi khen) lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa (Corpus Christi.) Bài ca Dies Irae (Ngày thịnh nộ) trong một số lễ cầu hồn không phải là một ca tiếp liên theo nghĩa chặt chẽ. (Từ nguyên Latinh sequentia, sự đi theo, chuỗi câu hát.)
Seraphic Blessing
Lời chúc lành cho Anh Lêô. Là lời chúc lành do thánh Phanxicô Átxidi viết ra theo lời xin của Tu sĩ Leo ở Núi Alverna năm 1224. Lời chúc lành là như sau: “Xin Chúa chúc lành và gìn giữ con. Xin Người tỏ lộ dung nhan Người cho con và thương xót con. Xin Người ngoảnh mặt lại nhìn con và ban cho con được bình an (Ds 6,24-26). Xin Chúa chúc lành cho con, hỡi Lêô yêu quí." Lời chúc này dựa vào lời của Đức Chúa nói với ông Moses (Mô-sê, Ds 6:22-27), và hiện nay là một trong các chúc lành trọng thể trong Mùa Thường niên, mà linh mục có thể ban vào cuối Thánh lễ.
Seraphic Contemplation
Chiêm ngưỡng Chúa. Là sự nâng trí khôn cùng tâm hồn lên, ở lại nơi Chúa và nếm hưởng niềm vui của Thánh Thần. Lòng mến của linh hồn là cao lớn hơn sự hiểu biết của linh hồn, với tâm hồn hướng về đối tượng vượt qua điều tâm trí hiểu về điều ý chí yêu mến.
Seraphim
Thiên thần Seraphim, Luyến thần. Đây là phẩm thiên thần ở đẳng cao nhất trong chín phẩm thiên thần. Ý nghĩa gốc của từ ngữ này là “thiêu đốt bằng lửa,” ý nói đến tình yêu lớn lao sâu đậm của các thiên thần này với Chúa Ba Ngôi. (Từ nguyên Do Thái cổ saraf, số nhiều là serafim, đốt, sôi nổi.)
Sermon On The Mount
Bài giảng trên núi. Là một bài giảng đầy đủ nhất của Chúa Giêsu được ghi lại trong Tân Ước. Chúa giảng với một đám đông trên một trong các ngọn đồi gần thành Capernaum (Ca-phác-na-um.) Bài giảng dài tới ba chương trong Tin mừng theo thánh Mátthêu (Mt 5, 6, 7). Bản tóm tắt cũng xuất hiện trong Tin mừng theo thánh Luca (Lc 6:20-49). Bài giảng trên núi nêu ra lối sống mà một môn đệ đích thực của Chúa Kitô cần sống, nếu người ấy tìm kiếm Nước Trời. Bài giảng mở đầu với Tám Mối Phúc như là các hướng dẫn cho người muốn làm “muối đất." Chúa Giêsu giải thích cách thức Luật Mới chu tòan Luật Cũ, nhưng đưa nó vào một cấp mới, trong đó tình yêu là động cơ cuối cùng cho việc giữ luật. Chúa dạy Kinh Lạy Cha như là cách thức mà người môn đệ có thể tiếp cận với Chúa là Cha. Luật Vàng hướng dẫn mọi người trong mối quan hệ với những người khác. Hôn nhân là theo thể chế một vợ một chồng, và các môn đệ của Chúa Kitô phải muốn các thánh giá.
Serpent, Brazen
Con Rắn đồng. Là tượng trưng cho việc Chúa Kitô chịu đóng đinh. Con Rắn đồng quấn trên thánh giá nhắc nhớ lại lời của Đấng Cứu thế: “Như ông Moses (Mô-sê) đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy" (Ga 3:14). Mặc dầu được nêu ra trong Kinh thánh, Con Rắn đồng chỉ trở thành biểu tượng tiêu chuẩn cho Chúa Chịu Đóng Đinh kể từ thế kỷ 13 mà thôi.
Serpent, Coiled
Con rắn quấn. Là biểu tượng của Satan (Xa-tan), tức quỷ dữ. Tên cám dỗ trong Vườn địa đàng (Vườn Eden, Ê-đen) xuất hiện với hình con rắn biết nói, khôn khéo hỏi han, nên dễ dàng dụ được bà Eve (E-và.) Trong liên quan với Đức Maria, con rắn tượng trưng cho sự thực hiện lời sứ ngôn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." (St 3:15). Con rắn quấn và ngậm quả táo trong miệng, bao quanh quả địa cầu, xuất hiện như biểu tượng của quỷ dữ đã bị Chúa Kitô chiến thắng qua Đức Maria, trong các ảnh tượng Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội.
Serra International
Serra Quốc tế, Hội Câu lạc bộ Serra. Là một tổ chức dưới sự lãnh đạo Công giáo, có mục đích cổ vũ ơn gọi làm linh mục và tu sĩ. Kể từ năm 1951, Hội sáp nhập vào Hội Giáo hoàng cổ vũ ơn gọi Linh mục.
Server
Người giúp lễ. Còn gọi là lễ sinh (acolyte), người giúp lễ là một thiếu niên hay người nam trưởng thành giúp Linh mục trong thánh điện, nhất là trong phụng vụ Thánh thể. Trong các chỉ thị hậu Công đồng về thừa tác viên ở bàn thờ, người giúp lễ mang áo chùng trắng hoặc áo các phép (Ordo Missae ‘Nghi thức Thánh lễ’, 1970, III, 81).
Service
Phục vụ, phụng sự. Nói chung, là sự thực hiện nghĩa vụ tôn giáo với tư cách là một thụ tạo đối với Chúa, và chu toàn trách nhiệm luân lý của mình về đáp ứng nhu cầu của người khác. Phụng sự Chúa là bổn phận đầu tiên của con người, dù là cá nhân hay xã hội, được thực hiện trong hành vi thờ phượng và cầu nguyện; và trong hành vi nhân đức như được luật tự nhiên và luật mặc khải của Chúa qui định. Việc này phù hợp với ba điều răn đầu tiên của Mười Điều Răn. Và được tóm lược trong lệnh truyền “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22:37). Phục vụ tha nhân là bổn phận thứ hai của một con người, phát sinh từ bổn phận thứ nhất và tùy thuộc vào đó. Việc này phù hợp với bảy điều răn cuối của Mười Điều Răn, và được tổng hợp trong lệnh truyền “ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22:39). Chúa Kitô nói rằng toàn bộ luật và sách các Ngôn sứ đều nằm trong hai lệnh truyền phục vụ này. (Từ nguyên Latinh servus, người nô lệ, người tôi tớ, thuộc quyền của người khác.)
Servile Fear
Nô úy. Là nỗi sợ vị kỷ dựa vào sự sợ đau khổ cho chính mình nếu người khác bị xúc phạm. Đây là sợ bị trừng phạt vì làm sai trái, mà không bị tác động bởi danh dự hoặc cảm thức bổn phận, và chẳng có chút nào bởi tình yêu. Tuy nhiên về mặt thần học, có thể cùng hiện diện với lòng thảo hiếu. Không thể có sự tương hợp trong cả lòng mến Chúa và sự kính sợ Chúa. Đối tượng của lòng mến Chúa là sự tốt lành thiện hảo của Chúa, sợ Chúa vì Ngài là Đấng Công bình. Tuy nhiên, nô úy, nếu không có lòng mến Chúa nhưng chỉ có yêu mình và sợ Chúa trừng phạt, thì ít là trên lý thuyết là mâu thuẫn với lòng yếu mến Chúa thật sự.
Servile Work
Lao động nặng. Lúc ban đầu là lao động của các nông nô, và họ được nghỉ lao động các ngày Chủ nhật và ngày lễ nghỉ, để thờ phượng Chúa. Cho đến gần đây, lao động nặng, bị cấm ngày Chủ nhật, là lao động chủ yếu về thể lý. Hiện nay, lao động nặng là lao động thủ công nặng, hoặc lao động mà trong xã hội thường được gắn liền với nỗ lực liên lỉ, và không bị ràng buộc phải làm khi người ta có sự tự do để tránh nó. Mặc nhiên trong việc Giáo hội cấm lao động nặng ngày Chủ nhật là sự trung thành với giới răn của Chúa là giữ luật ngày Sabbath (sa-bát.) Điều này có nghĩa là tránh các hoạt động, vốn ngăn cản sự canh tân cho linh hồn và thể xác, nghĩa là công việc hoặc việc kinh doanh không cần thiết, sự đi mua sắm hay việc nhà không cần thiết.
Servites
Tu sĩ Dòng Tôi tớ Đức Mẹ. Dòng Tôi tớ Đức Mẹ được thành lập tại Florence (Ý) năm 1233 bởi bảy thành viên hội đồng thành phố, và các vị này được phong thánh với tên gọi chung là “Bảy vị thánh lập Dòng”, trong đó có hai vị bề trên đầu tiên của Dòng là thánh Buonfiglio dei Monaldi và thánh Alessio de' Falconieri, người vẫn là một thầy trợ sĩ. Dòng được Tòa thánh phê chuẩn năm 1249 và tái phê chuẩn năm 1304. Dòng làm công tác tông đồ giữa các Kitô hữu và người ngòai Kitô giáo, cổ vũ lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, nhất là Đức Mẹ với tước hiệu Đức Mẹ Sầu Bi. Có nhiều Hội Dòng nữ tu, cả Hội Dòng Tòa thánh lẫn Hội Dòng giáo phận, đặc biệt sùng kính Đức Mẹ Sầu Bi. Các Hội Dòng nổi tiếng nhất là Dòng Nữ Tôi tớ chiêm niệm (Dòng Nhì) do hai người đền tội của thánh Philip Benizi (1233-85) sáng lập vào lúc ngài qua đời; và các Nữ tu Dòng ba, do thánh Juliana Falconieri thành lập năm 1306, dòng này lo chăm sóc bệnh nhân và người nghèo, cùng giáo dục trẻ em.
Servus Servorum Dei
Servus Servorum Dei, “Tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa.” Một danh hiệu mà Đức Giáo hòang đôi khi sử dụng để tự xưng mình trong các văn kiện chính thức. Vị đầu tiên dùng danh hiệu này là thánh Giáo hòang Gregory Cả (trị vì 590-604), và danh hiệu được sử dụng phổ biến kể từ thời Đức Giáo hòang Gregory VII (1073-85).
Seth
Seth, ông Sết. Là con trai thứ ba của ông Adam (A-đam) và bà Eve (E-và), Seth ra đời sau khi anh Abel (A-ben) qua đời. Ông trở thành thân phụ của nhiều con trai và con gái, nhưng người duy nhất được nhắc đến tên trong sách Sáng thế (St) là ông Enosh (E-nốt, St 4:25). Ông Seth sống thọ 912 tuổi (St 5:6-8).
Seven Churches Of Asia
Bảy Hội thánh A-xi-a. Là bảy giáo đoàn tại Tiểu Á được thánh Gioan nhắc đến trong sách Khải huyền (Kh). Đó là các giáo đòan Ephesus, Smyrna, Pergamum, Thyatira, Sardis, Philadelphia, và Laodicea (Ê-phê-xô, Xi-miếc-na, Péc-ga-mô, Thy-a-ti-ra, Xác-đê, Phi-la-đen-phi-a và Lao-đi-ki-a, Kh 1:11). Khi đang ở trên đảo Patmos (Pát-mô), thánh Gioan được Chúa ra lệnh giáo dục và khuyên nhủ các giám mục của bảy Hội thánh này, hoặc là khen ngợi hoặc là khiển trách các vị về cách thức các vị đang quản trị giáo phận của mình.
Seven Councils
Bảy Công đồng đầu tiên. Là bảy công đồng chung đầu tiên của Giáo hội, đó là công đồng Nicaea (năm 325), Constantinople I (381), Ephesus (431), Chalcedon (451), Constantinople II (553), Constantinople III (680-81), và Nicaea II (787). Đây là các công đồng duy nhất mà các Giáo hội Đông phương và Tây phương đều công nhận, và đối với các Giáo hội Đông phương ly khai, các công đồng này là chứng tá duy nhất về tính chính thống của Kitô giáo.
Seven Deacons
Bảy Phó tế. Là bảy vị trợ tá đầu tiên được các Tông đồ truyền chức để lo chăm sóc người nghèo và các việc vật chất khác, và nhờ đó Mười Hai Tông đồ chuyên chăm bổn phận đầu tiên là rao giảng đức tin mới. Thánh Stephen (Tê-pha-nô), vị thánh tử đạo tiên khởi, là một trong Bảy Phó tế này (Cv 6:1-6).
Seven Dolors Scapular
Bộ áo Bảy Sự Thương Khó. Là bộ áo của phụng hội do Dòng Tôi tớ Đức Mẹ thiết lập. Bộ áo màu đen và thường có ảnh Đức Mẹ Sầu Bi.
Seven Gifts
Bảy ơn Chúa Thánh Thần. Là các ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần phú bẩm trong linh hồn khi Rửa tội, và được mỗi người duy trì trong tình trạng ân sủng, cụ thể là: ơn khôn ngoan (wisdom), ơn hiểu biết (understanding), ơn nhận thức (knowledge), ơn chỉ bảo (counsel), ơn can trường (fortitude), ơn thánh thiện (piety) và ơn kính sợ Thiên Chúa (fear of the Lord.)
Seven Heavens
Bảy tầng trời. Là niềm tin dân gian, không hề được Giáo hội khẳng định, nói rằng thiên đàng được chia thành bảy tầng (cấp độ) hạnh phúc, cấp cao nhất là tầng thứ bảy. Cụm từ “tầng trời thứ bảy” là dấu vết của niềm tin này.
Seven Sacraments
Bảy Bí tích. Là bảy nghi thức do Chúa Kitô thiết lập để ban ơn mà Bí tích nêu ý nghĩa, cụ thể là Bí tích Rửa tội, Bí tích Thêm sức, Bí tích Mình thánh Chúa, Bí tích Giải tội, Bí tích Xức dầu bệnh nhân, Bí tích Truyền chức thánh, Bí tích Hôn phối. Số lượng, tên các Bí tích và định chế bản chất của chúng (mục đích và nghi thức chủ yếu) do Chúa Kitô qui định, đã được Công đồng chung Trent (Denzinger 1601) định nghĩa ngày ngày 3-3-1547.
Seventh Crusade
Cuộc Thập tự chinh thứ bảy. Được Đức Giáo hòang Innocent IV thuyết giáo, cuộc Thập tự chinh này (1248-54) do thánh Louis nước Pháp chỉ huy. Nhưng nhà vua bị bắt giữ tại Ai Cập. Khi được trả tự do, vua trở về Pháp.
Seven Words Of Christ
Bảy lời sau cùng của Chúa Kitô. Là những lời sau cùng của Chúa Kitô nói trên thánh giá, được ghi lại trong các Tin mừng theo thánh Máccô, Luca và Gioan. Chuỗi bảy lời này là “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm"; "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng" nói với người trộm lành; "Thưa Bà, đây là con của Bà," nới với Đức Mẹ Mari; "Đây là mẹ của anh," Chúa Kitô nói với thánh Gioan; “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?"; khi quá khát nước, Chúa Kitô kêu lên “Tôi khát”; và rồi nói "Thế là đã hoàn tất!." Và khi mọi sứ ngôn đã hoàn thành, Chúa nói lời cuối: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha." Nhiều bản nhạc oratô diễn giải các lời trên đã được sáng tác.
Sexag
Sexag, Sexagesima—Chủ nhật Sáu Mươi, Ngày thứ 60 trước lễ Phục Sinh.
Sexagesima
Sexagesima, Chủ nhật Sáu Mươi. Là ngày thứ sáu mươi trước lễ Phục Sinh, và là chủ nhật thứ hai trước mùa Chay. Từ ngữ này không còn được sử dụng kể từ khi phụng vụ được duyệt lại sau Công đồng chung Vatican II.