Sr
Sr, Sister - Nữ tu, Xơ, Dì phước, chị.
S.R.C.
S.R.C., Sacra Rituum Congregatio—Thánh bộ Nghi lễ.
S.R.E.
S.R.E., Sancta Romana Ecclesia Sanctae Romanae Ecclesiae--Giáo hội Roma rất thánh, hoặc của Giáo hội Roma rất thánh.
S.R.R.
S.R.R., Sacra Romana Rota—Tòa Thượng thẩm Roma.
Ss
Ss, Scriptores—tác giả, nhà văn, người viết, người viết chữ.
S.S.A.T.
S.S.A.T., Supremum Signaturae Apostolicae Tribunal--Tối cao Pháp viện Tòa thánh.
Ss.D.N.
Ss.D.N., Sanctissimus Dominus Noster—Chúa rất thánh của chúng ta (Chúa Giêsu Kitô), cũng là một tước hiệu của Đức Giáo hòang.
S., Ss.
S., Ss., Sanctus, Sancti—thánh, thánh nhân, các thánh.
St
St, Saint – Thánh.
Stabat Mater
Stabat Mater, Bài hát “Mẹ sầu bi đứng bên Thánh giá” thường được gán cho tác giả là Jacopone da Todi (1230-1306), thi sĩ Dòng Phanxicô. Bài ca này dần dà được sử dụng trong phụng vụ cuối thời Trung Cổ, và từ năm 1727 là một phần của Phụng vụ Thánh Thể và Thần tụng cho lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Lịch sử của bài hát trong âm nhạc là thuộc thời kỳ cận đại. Một bài hát khác, mang tên Stabat Mater Speciosa (Mẹ xinh đẹp đứng đó), dường như mô phỏng theo bài Stabat Mater Dolorosa (Mẹ sầu bi đứng bên Thánh giá), mô tả các sầu bi của Đức Maria tại Bethlehem (Bê-lem), nhưng không bao giờ trở nên một phần của phụng vụ.
Stability
Tính kiên định, sự ổn định. Là phẩm chất đạo đức tránh các thay đổi cực đoan trong phán đóan, tính khí hoặc cách cư xử. Trong tương quan với người khác, nó có nghĩa là tính đáng tin cậy hoặc tính có thể tin được. (Từ nguyên Latinh stabilis, kiên định.)
Stability, Vow Of
Khấn ở nơi cố định. Là lời khấn trong Luật thánh Biển Đức là sống gắn bó với tu viện mà mình đã dâng lời khấn Dòng. Theo tinh thần thánh Biển Đức, mục đích lời khấn này nhằm củng cố sự đoàn kết dưới quyền một tu viện trưởng, và bảo đảm tính kế tục của mỗi đan viện như là một gia đình tu sĩ.
Stag
Con nai, con hươu. Là một biểu tượng của sự khát mong về Nước hằng sống của Lời Chúa. Thường được vẽ từng cặp đôi, con nai đang uống nước suối chảy ra từ Thánh giá. Theo lời của Thánh vịnh “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa" (Tv 42). Con nai xuất hiện trong các tranh vẽ thánh thánh Hubert và thánh Eustace, bổn mạng của các người đi săn bắt, và ảnh thánh Giles ôm con nai, và thánh Aidan trong hạnh các thánh nước Anh.
Stalls
Ghế ngồi hát kinh. Là từ ngữ dùng chỉ các ghế cố định trong khu vực ca đòan của một nhà thờ. Các ghế này thường được trang trí bằng các ảnh khắc phía trước, phía sau và trên ghế ngồi, dưới chỗ ngồi đôi khi có ảnh thô sơ được vẽ.
Standing
Đứng. Là tư thế của người tham dự trong một số phần của phụng vụ Thánh thể và Kinh Nhật Tụng. Do các nước đều có phong tục khác nhau, các Hội đồng Giám mục cần đưa ra chỉ thị phù hợp cho người dân. Tuy nhiên, từ ngàn xưa, tư thế đứng là thói tục khi nghe đọc Tin Mừng, khi đọc hay hát Kinh Tin Kính, Kinh Tiền Tụng và Kinh Thánh Thánh Thánh.
Star
Ngôi sao. Là biểu tượng của Lễ Hiển Linh hay Chúa Tỏ Mình ra. Trong thế kỷ thứ hai, một cảnh vẽ Ba Vua (Ba nhà đạo sĩ) trong hang tọai đạo có thêm ngôi sao, “Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại" (Mt 2:9). Ngôi sao là một biểu tượng Chúa Kitô: “Chính Ta là Chồi Non và Dòng Dõi Đa-vít, là Sao Mai sáng ngời" (Kh 22:16). “Một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp, một vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en" (Ds 24:17). Ngôi sao tám cánh, liên quan với biểu tượng của Đức Mẹ Maria là “Lâu đài David (Đa-vít)" trong Kinh Cầu Đức Bà Loreto, minh họa cho vinh quang của Chúa Kitô. Ngôi sao cũng là biểu tượng của Đức Trinh nữ Maria, với độ sáng không bao giờ mờ và nhờ đó Đức Mẹ được gán cho tước hiệu Ave Maris Stella (Kính chào Sao Biển) và Stella Matutina (Sao Mai). Trong một số tranh tượng thánh, áo chòang của Đức Mẹ được đính nhiều ngôi sao, và Đức Mẹ đội triều thiên có nhiều ngôi sao. “Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao" (Kh 12:1-3). Thánh Đa Minh có một ngôi sao ở hào quang của ngài, và thánh Nicholas thành Tolentino có một ngôi sao ở ngực—đó là các biểu tượng nổi bật của hai vị thánh này.
State Of Being
Trạng thái, cảnh giới, tình trạng hiện hữu. Là cách thức trong đó một vật tỏ lộ sự hiện diện của nó, hoặc điều kiện mà trong đó con người tự tìm thấy mình theo các hòan cảnh đã cho. Như thế, cảnh giới nêu ra một dạng thức hiện hữu mà có ít hay không có quan hệ với không gian hoặc thời gian. Tình trạng của một người trong ơn nghĩa Chúa, hoặc trong tội trọng, hoặc sau khi chết trong thiên đàng, luyện ngục hay hỏa ngục, xác định điều kiện thiêng liêng của linh hồn độc lập với vật chất hoặc yếu tố bề ngòai.
State Of Grace
Tình trạng ân sủng. Là điều kiện một người không mắc tội trọng và làm vui lòng Chúa. Đây là tình trạng một người sống thân nghĩa với Chúa, và là điều kiện cần thiết của linh hồn khi qua đời để được lên thiên đàng.
State Of Nature
Trạng thái thiên nhiên. Là điều kiện thần thọai của con người trước khi chịu ảnh hưởng của văn minh. Điều kiện này được lý tưởng hóa bởi nhiều triết gia, chẳng hạn Jean Jacques Rousseau, như một qui chuẩn cho tình trạng của con người, trừ ra ảnh hưởng xấu của giáo dục nhân bản và xã hội. Nó được sử dụng bởi một số người, chẳng hạn John Locke, như một luận chứng cho quyền tự do và bình đẳng của con người, và bởi một số người khác, chẳng hạn Thomas Hobbes, như là bằng chứng cho nhu cầu của Nhà nước để kiểm sóat các bản năng xã hội của con người.
State Of Perfection
Bậc hoàn thiện. Là lối sống ổn định lâu dài, trong đó các tín hữu tự ràng buộc mình bằng lời khấn, hoặc lời hứa tương đương lời khấn, để thực hành các lời khuyên Phúc âm là khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Được gọi là bậc hoàn thiện vì những ai sống trong bậc này đồng ý tuân theo một qui luật sống riêng, được Giáo hội phê chuẩn, và sự tuân giữ luật trung tín của họ sẽ chắc chắn dẫn họ đến sự hoàn thiện Kitô giáo.
Station
Trạm. Là một từ ngữ chỉ một địa điểm sẽ diễn ra một phần của cử hành phụng vụ lưu động hoặc tuần tự. Vì vậy Phụng vụ Cầu Hồn đưa ra ba kiểu thức: ba trạm, nghĩa là tại tư gia, nhà thờ và nghĩa trang; hai trạm, nghĩa là nhà nguyện nghĩa trang và huyệt mộ; và một trạm, tại nhà người qua đời.
Station Days
Ngày lễ chặng. Là những ngày được chỉ định để các Kitô hữu thời sơ khai ăn chay giữa 12 giờ và ba giờ chiều. Đó thường là các ngày lễ trong đó các tín hữu qui tụ lại tại các nhà thờ chặng để cử hành Thánh lễ. Những ngày này được ghi trong Sách Lễ Roma trước Công đồng chung Vatican II, theo đó Đức Giáo hòang trước đây cử hành thánh lễ tại các nơi gọi là “nhà thờ chặng” tại Roma. Thánh Giáo hòang Gregory Cả được cho là đã chỉ định một nhà thờ đặc biệt cho mỗi ngày lễ chặng, vốn bao gồm mọi lễ Đức Mẹ và lễ ngày thường của mùa Chay. Một số ngày khác được thêm vào nữa, do đó hiện nay có tất cả 84 ngày.
Stations Of The Cross
Đàng Thánh Giá, 14 chặng đường Thánh Giá. Là một việc đạo đức, trong đó chủ yếu là suy niệm cuộc Thương khó của Chúa Kitô, theo thứ tự 14 chặng đường Thánh Giá. Các chặng đường được tượng trưng bằng các Thánh giá Gỗ, thường gắn trên tường nhà thờ, mặc dầu các chặng này có thể đặt bất cứ nơi nào, chẳng hạn đặt ngoài nhà thờ dọc lối đi. Các ảnh tượng mô tả hoạt cảnh trên Via Crucis (Đường Thánh Giá) của Chúa Kitô nhằm giúp ngắm 14 chặng đàng: 1. Chúa Giêsu bị kết án tử hình; 2. Chúa Giêsu vác Thánh Giá; 3. Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất; 4. Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ; 5. Chúa Giêsu được ông Simon vác đỡ Thánh Giá; 6. Bà Veronica (Vê-rô-ni-ca) lau mặt Chúa Giêsu; 7. Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai; 8. Chúa Giêsu an ủi các phụ nữ thành Jerusalem (Giê-ru-sa-lem); 9. Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba; 10. Chúa Giêsu bị quân dữ lột áo mình ra; 11. Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào Thánh Giá; 12. Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh Giá; 13. Chúa Giêsu được hạ xác xuống khỏi Thánh Giá; 14. Chúa Giêsu được táng xác vào huyệt đá mới. Ơn đại xá được ban cho ai đi đường Thánh giá, mỗi ngày được một ơn. Tuy nhiên người làm việc đạo đức này chỉ cần đi từ một chặng này qua một chặng khác, và “không cần làm gì khác ngoài suy ngắm về cuộc Tử nạn và cái Chết của Chúa, và không cần suy niệm đặc biệt về từng mầu nhiệm của Đàng Thánh Giá.”
Statism
Chủ nghĩa nhà nước. Là thuyết về xã hội, chủ trương chính quyền dân sự là hoàn toàn độc lập với mọi nguyên tắc tôn giáo. Là chủ nghĩa thế tục nhà nước dựa trên tiền đề rằng tôn giáo là việc hoàn toàn riêng tư, mà Nhà nước có thể khoan dung nhưng không khuyến khích, không cổ vũ và nhất là không cho phép gây ảnh hưởng lên các chính sách của chính quyền dân sự.
Statue
Tượng. Là một điêu khắc trông giống Chúa Kitô, Đức Trinh Nữ, hoặc một vị thánh, hoặc là hình dáng biểu tượng của một thiên thần, bằng chất liệu rắn, được tín hữu tôn kính. Mục đích của tượng là nhắc nhở đến đấng mà tượng diễn tả, để gây cảm hứng cho lòng mộ đạo nhiều hơn. Kitô hữu không tôn thờ tượng như là ngẫu tượng.
S.T.B.
S.T.B., Sacrae Theologiae Baccalaureus--Cử nhân Thần học.
S.T.D.
S.T.D., Sacrae Theologiae Doctor--Tiến sĩ Thần học.
Stephen
Thánh Stephen, thánh Tê-pha-nô. Là một người Do thái trở lại đạo rất nhiệt tình, trở thành Kitô hữu đầu tiên tử vì đạo. Ngài là một trong Bảy Phó tế, được các thánh Tông đồ chỉ định, để chăm sóc người nghèo túng, và như thế các Tông đồ rảnh tay nhằm dành thì giờ để giảng dạy (Cv 6:1-6). Các Phó tế cũng tham gia rao giảng, và chính điều này đã dẫn Stephen đến cái chết thảm thương. Ngài bị điệu ra trước Thượng Hội đồng, với cáo buộc rằng sự rao giảng của ngài là có tính khích động và đe dọa phá hủy Đền thờ (Cv 6:12). Lời bào chữa hùng biện của ngài bị giải thích như là phạm thượng. Không chờ sự cho phép của chính quyền Roma, họ đem ngài ra ngoài thành và ném đá đến chết. Trong số người chứng kiến có Saul (Sao-lô), người chưa có chuyến đi chuyển đổi số phận mình tại Damascus (Đa-mát) lúc ấy. Cái chết của Stephen càng làm tăng sự rạn nứt rộng hơn giữa người Do thái giáo chính thống và Giáo hội Kitô (Cv 7).
Sterility
Vô sinh. Là sự mất khả năng sinh đẻ, do khiếm khuyết thể lý hay tâm lý. Vô sinh, không giống bất lực, không vô hiệu hóa hôn phối và không làm cho hôn phối trở nên bất hợp pháp.
Sterility Tests
Xét nghiệm tinh trùng, tinh dịch đồ. Là xét nghiệm tinh dịch của người nam, vốn thường được cho là yếu tố chính của vô sinh. Các xét nghiệm này đòi hỏi tránh các phương pháp bất hợp pháp, chẳng hạn thủ dâm, dùng bao cao su, hoặc xuất tinh ngoài âm đạo.
Sterilization
Triệt sản. Là hành vi tước mất khỏi thân xác, hoặc tạm thời hoặc vĩnh viễn, khả năng truyền sinh hay mang thai. Triệt sản là làm cho các khả năng truyền sinh trở nên vô hiệu. Có bốn lọai triệt sản được phân biệt trong luân lý Công giáo: chữa bệnh, ngừa thai, ưu sinh và hình phạt. (Từ nguyên Latinh sterilis, không thành công, không sinh con, cằn cỗi.)
Stewardship
Quản lý. Trong cách dùng của Kinh thánh, quản lý là điều hành những gì được giao phó cho một người, không chỉ là gìn giữ mà còn làm lợi cho chủ nữa, nói cho cùng là làm lợi cho Chúa. Chúa Kitô giới thiệu người quản lý trung tín như là mẫu gương cho một Kitô hữu có trách nhiệm (Lc 12:42). Các Tông đồ là các người chọn làm quản lý các mầu nhiệm của Chúa (I Cr 4:1-2), và mỗi Kitô hữu là một người quản lý các mầu nhiệm của Chúa (I Pr 4:10). Chúa Giêsu khen ngợi người quản lý bất trung trong một dụ ngôn, không phải bởi vì anh ta bất lương, mà do sự nhìn xa trông rộng của anh, bởi vì “Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại" (Lc 16:1-8). Đây là bài học tối hậu của quản lý: con người không là chủ nhưng là người trông coi các ân ban của Chúa trong thế gian này, sử dụng chúng và sản sinh ra các hoa trái có lợi cho sự sống vĩnh cửu sau này. (Từ nguyên tiếng Anh Cổ stigweard, “người giữ phòng”: stig, phòng + weard, người gìn giữ.)
S. Thom.
S. Thom., St. Thomas Aquinas –Thánh Tôma Aquinas.
Stipend
Tiền lễ, bổng lễ. Theo giáo luật, là tiền để hỗ trợ cuộc sống của giáo sĩ. Cũng là một phần thu nhập từ một bổng lộc, mà một giáo sĩ liên quan với bổng lộc này được hưởng. Ngày nay từ ngữ thường được hiểu là tiền tặng cho linh mục khi xin linh mục dâng lễ theo ý chỉ đặc biệt của mình.
S.T.L.
S.T.L., Sacrae Theologiae Licentiatus--Cử nhân Thần học.
S.T.M.
S.T.M., Sacrae Theologiae Magister—Cao học Thần học, Thạc sĩ Thần học.
Stockings
Vớ dài, bít tất dài. Vớ dài do Giám mục mang khi cử hành Thánh lễ đại triều. Vớ này làm bằng tơ lụa dệt, và màu phù hợp với màu áo lễ. Vớ được mang với dày thấp gót, tức xăng đan, và giày cùng màu với áo. Hiện nay giày và vớ được sử dụng tùy ý Giám mục.
Stole
Dây các phép. Là một lễ phục phụng vụ làm bằng một dải vải dài, rộng khoảng 10cm, và được Linh mục và Giám mục mang ở cổ; còn thày Phó tế mang chéo ở vai trái, khi cử hành Thánh lễ, ban các Bí tích và các nghi thức chầu Mình Thánh Chúa.
Storrington
Đền thánh ở Storrington. Là đền thánh dâng kính “Đức Bà Anh Quốc”, ở miền nam nước Anh gần Eo biển Manche. Được Đức Giáo hòang Lêô XIII làm phép, tượng Đức Trinh nữ không đội triều thiên và Hài nhi, được Đức Mẹ ẵm lấy, đứng ngay ở cửa dẫn vào Vườn Tu viện của các Kinh sĩ Prémontré tại Sussex. Đức Mẹ Maria cầm một vương trượng dài và chuỗi Mân côi ở tay phải, và chính Đức Mẹ đã thực hiện nhiều cuộc hoán cải nổi tiếng cho nhiều người.
S.T.P.
S.T.P., Sacrae Theologiae Professor—Giáo sư Thần học.
Strict Interpretation
Giải thích chặt chẽ, giải thích theo nghĩa hẹp. Trong giáo luật, là cách thức giải thích các qui định đưa ra hình phạt, hoặc hạn chế việc thực thi quyền của một người, hoặc ngăn cản một sự miễn chuẩn của luật ấy.
Strict Mental Reservation
Tiềm chế ý nghĩa chặt. Là lời nói hạn chế ý nghĩa của điều được nói, nhưng không đưa ra manh mối cho một nghĩa đặc biệt nào muốn nhắm tới. Loại tiềm chế ý nghĩa này thực ra là một lời nói dối và không bao giờ được phép. Vì thế một người nói rằng mình đang đi đến một thành phố xa, có nghĩa rằng người ấy chỉ đi đến đó trong trí tưởng tượng, người ấy nói dối vì không có manh mối gì cho nghĩa muốn nhắm tới cả.
Strict Mystery
Mầu nhiệm đúng nghĩa. Là một chân lý mặc khải vượt quá khả năng hiểu biết của một tâm trí tạo dựng, mà ý nghĩa đầy đủ của nó không thể được ai nắm bắt được, ngoại trừ Chúa mà thôi. Tuy nhiên các mầu nhiệm đúng nghĩa, chẳng hạn như Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và Mầu Nhiệm Nhập Thể, có thể được hiểu phần nào, với mức độ khác nhau của sự nhận thức, tùy theo ơn Chúa ban và nỗ lực riêng cùng kinh nghiệm của người ấy.
Striking The Breast
Đấm ngực. Là một dấu hiệu xưa của việc ăn năn thống hối, khi lấy tay đấm ngực mình (Lc 18:13), vốn đã trở thành một phần của phụng vụ. Sự đấm ngực được qui định trong nghi thức sám hối đầu Thánh lễ.
Stripping The Altar
Lột khăn bàn thờ. Là hành vi phụng vụ lột các khăn ở Bàn thờ, và nếu có thể được, cất đi mọi thánh giá của nhà thờ sau Thánh lễ ngày thứ Năm Tuần Thánh. Việc này tượng trưng cho sự ngưng cử hành Thánh lễ cho đến Vọng Phục Sinh, và sự lột hết y phục của Chúa Kitô trước khi Chúa chịu đóng đinh.
Sts
Sts, Saints – Các thánh.
Stylites
Ẩn sĩ sống trên cột, tọa trụ khổ tu. Là các vị khổ tu đơn độc sống trên các cột cũ hoặc trụ lớn cũ. Bằng cách này, các vị thực thi sống khổ chế, trong khi vẫn rao giảng cho người khác hoặc khuyên nhủ người khác. Các vị nổi tiếng nhất là thánh Simeon Cột (390-459) thành Antioch, và thánh Daniel (qua đời năm 493) thành Constantinople.
Suarezianism
Chủ thuyết Suarez. Là hệ thống thần học của Francesco Suarez (1548-1617), một học giả và nhà văn Dòng Tên người Tây Ban Nha, được Đức Giáo hòang Biển Đức XIV đặt tên là Doctor Eximius. Dựa vào các nguyên tắc của thánh Tôma Aquinas, Suarez đã phát triển một hệ thống thần học cho riêng mình. Đặc trưng cách tiếp cận của ngài là trích dẫn nhiều từ các nguồn ngài sử dụng, và nhấn mạnh đến lịch sử như là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển học thuyết. Trong học thuyết Suarez, yếu tính và hiện hữu là các vật hiện hữu thật sự, và không phân biệt tiềm thể và hiện thể; trí tuệ có một trực giác tự nhiên nào đó của cá nhân; nguyên liệu có tính hiện thể hơn so với trong thuyết của thánh Tôma, vì đối với Tôma nguyên liệu là tiềm thể thuần túy; nguyên lý cá thể hóa không nằm trong vật chất, nhưng là do vật gì đó hiện hữu như là một hữu thể; về mối quan hệ giữa ân sủng và ý chí tự do, thuyết Suarez ủng hộ điều đã được biết chẳng hạn thuyết tương hợp, nhấn mạnh nhiều hơn đến sự tự do con người so với thuyết Bannez theo thánh Tôma. Thuyết Suarez là nguồn được công nhận của triết học về quyền tự nhiên, luật các quốc gia và luật hiến pháp, như chúng được triển khai trong thời hiện đại nơi các triết gia Kitô giáo, để chống lại quyền thiên mệnh của các vua. Quyền cai trị trong xã hội dân sự, theo nguyên tắc của thuyết Suarez, phát sinh từ ý Chúa. Nhưng việc chỉ định người nào sẽ thực thi quyền này là do quyết định của người dân, kể từ Giao ước Mới.
Subapostolic Age
Thời hậu Tông đồ. Là thời kỳ kể từ cái chết của vị Tông đồ cuối cùng đến cái chết của các môn đệ trực tiếp của các ngài, kéo dài cho đến khoảng năm 150.
Subconscious
Tiềm thức. Là trạng thái của sự chú ý bên lề và ít ỏi, trong đó một người chỉ nhận thức mơ màng về điều gì đó. Nó cũng mô tả điều kiện của một người không ý thức về một tiến trình trí tuệ đang diễn ra trong mình, mặc dầu nó ảnh hưởng đến thái độ hiện tại hoặc tiêu chuẩn đạo đức tốt. Tiềm thức được công nhận trong thần học mục vụ Công giáo, như là một yếu tố quan trọng trong thái độ ứng xử của con người.