Thống trị thiên nhiên

(Francis Bacon: Neues Organon)


Vừa là một triết gia, một khoa học gia và vừa là một chính trị gia, Francis Bacon (1561-1626) đã làm tiêu tan lý tưởng nhân bản của thời hậu phục hưng mà ông là người đại diện tiêu biểu nhất. Để chuyên tâm nghiên cứu triết học kinh viện và tiếp sau đó là luật khoa, Bacon đã theo học trong suốt 13 năm trời tại đại học chuyên ngành Cambridge ở Luân Đôn. Và ba năm sau đó, chàng sinh viên trẻ Bacon đã rời bỏ đại học với sự xác tín là khuynh hướng triết học Aristote-kinh viện đang chiếm giữ địa vị ưu thắng cho đến lúc bấy giờ, sẽ không còn thích hợp với những đòi hỏi của thời đại nữa. Mọi sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày cứ lặng lẽ nhàm chán trôi qua, chứ khó lòng gây được sôi động nháo nhiệt nữa. Thực ra, ngay dưới triều đại nữ hoàng Elisabeth Đệ Nhất (1533-1603), Bacon chứng kiến phong trào canh tân ở Anh Quốc như một sự kiện đã rồi và Anh Quốc là một đất nước thống nhất. Do đó, nền chính trị đất nước luôn lo sợ trước tất cả mọi xáo trộn và chia rẽ mới.

Triết gia Francis Bacon
Nhưng sau đó, ngay dưới quyền nhiếp chính của vua Jacob Đệ Nhất (1566-1625), khi chế độ chuyên chế nước Anh đang bước vào giai đoạn cuối, thì các phe phái chính trị đối lập bắt đầu nổi lên một cách công khai và chính quốc hội còn tuyên bố vào năm 1621/22 là các quyền tự do của con người không phải là ơn huệ của nhà vua ban tặng, nhưng là những quyền lợi tự nhiên của mỗi người công dân nước Anh. Với tư cách là chủ tịch Viện Quý Tộc, Bacon đã cương quyết chống lại quốc hội. Vì thế, ông liền bị kết án là đã hối lộ và biển thủ công quỹ một cách gián tiếp trong 20 lần và đã bị cách chức.

Năm 1620, khi ông đang trên đỉnh cao của sự nghiệp chính trị, tức ngay sau khi ông được bổ nhiệm làm chủ tịch Viện Quý Tộc, một chức vụ cao nhất ở Anh Quốc vào lúc bấy giờ, Bacon đã cho xuất bản tác phẩm quan trọng nhất của ông là «Neues Organon» hay đầy đủ hơn: «Novum Organum Scientiarum» (Tân Luận lý toàn thư về khoa học), kết quả của một sự chuẩn bị kéo dài trong nhiều năm. Đây là một trong các tác phẩm có tầm ảnh hưởng sâu rộng và quan trọng nhất vào lúc bấy giờ và cho cả dòng lịch sử triết học sau này.

Trong khi được chia ra thành những câu ngạn ngữ, tác phẩm thời danh này – mà tựa đề của nó dựa vào tác phẩm Organon của Aristote (Organon trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là phương pháp, dụng cụ) – muốn mở ra một lối đi mới cho công cuộc khảo cứu về lý thuyết nhận thức và khoa học bằng phương pháp qui nạp, tức khoa học cần phải hành xử như «scientia activa» (khoa học tác dụng), nghĩa là sử dụng phương pháp vừa hợp lý vừa thực nghiệm và qua đó mang lại hiệu quả tốt đẹp là làm cho công cuộc khảo cứu trở thành một hoạt động đồng nhất. Nhờ thế, mục đích đầy khó khăn đã được nêu danh rõ ràng, tức: Nhất thiết cần phải đạt được một sự canh tân khoa học, không hơn không kém.

Động lực của toàn bộ chương trình khoa học do Bacon phát huy đã tiên liệu được rằng các luật lệ có giá trị tổng quát đều bắt nguồn từ sự nhận thức tinh thần mà ra. Điều mới mẻ trong đó là trên mỗi giai đoạn đã đạt được, người ta lại bó buộc phải trở lại với một sự khám phá đi kèm theo đó về những chi tiết mới, hầu với sự trợ giúp của các qui luật có phương pháp để có thể đề phòng những sai lầm đang xảy tới. Còn một phương tiện trợ giúp cuối cùng là cần phải sử dụng một sự dàn xếp theo từng giai đoạn của chính định lý mà người ta có thể tuỳ tiện lựa chọn để đi lên cao hay đi xuống thấp.

Trong khi tinh thần luôn phản hồi lại trên những cấp độ rõ ràng chắc chắn đã đạt được và trên những cảm nhận thực nghiệm, thì nó loại trừ được tất cả những nguy hiểm to lớn nhất của các khoa học; đó chính là: Sự tự thần tượng hóa chính mình, và từ đó nẩy sinh các thành kiến, tức những định kiến đã có sẵn. Chính các thành kiến hay những định kiến đã có sẵn đó làm cản trở những khoa học nhằm tới những nhận thức khách quan và làm lu mờ sứ mệnh chân chính của các khoa học đó: họa lại và hoàn hảo hóa thế giới sống động và qua đó đồng thời là nguyên nhân và mục đích của sự nhận thức. Bởi vì, thay vì một sự sống động như thế, Bacon thường chỉ gặp được những nhận thức bất khả sử dụng, tức những nhận thức chỉ nói lên sự xa lạ với thế giới và chỉ là một sự kiêu kỳ, chứ không phải là một sự nhận thức hướng tới cuộc sống.

Trong khi so sánh như thế, Bacon cho rằng, nghệ thuật thuộc loại thủ công và những khoa học đưa ra được những thành quả cụ thể bằng các khám phá thực dụng khác nhau thì đóng vai trò quan trọng hơn tất cả mọi đóng góp thuộc những lãnh vực khác trong xã hội. Đúng vậy, chỉ từ khi có những khám phá như kỹ nghệ in sách, chế thuốc súng hay la bàn thì mới thực sự mang lại sự tiến bộ và văn minh cho một quốc gia và cho cả một xã hội. Một khoa học theo nghĩa đó mới thực sự dẫn tới mục đích cao nhất trong cách tư duy khoa học: tức sự thăng tiến quyền thống trị của con người trên thiên nhiên với sự trợ giúp của một lý trí luôn tiếp cận với thế giới và được qui hướng về cuộc sống.

Mặc dầu Bacon ca tụng những kết quả do khoa học thực nghiệm mang lại, nhưng chính cá nhân ông lại đưa ra được rất ít những dự thảo về luật lệ hay những khám phá riêng của mình. Trái lại, người ta còn nhận thấy như là một sự mỉa mai khi nghĩ đến số mệnh của Bacon. Thật vậy, sau khi hoàn toàn mất hết chức quyền, ông đã dấn thân quyết liệt cho công cuộc nghiên cứu khoa học, và ông đã chết vì bị cảm lạnh, một cơn bệnh do chính ông tự gây ra cho mình, khi ông lấy tuyết lạnh đắp đầy lên mình để tìm hiểu về đặc tính của sự giá buốt.

Tác phẩm Tân Organon của ông cho thấy Bacon đã nhìn thấy những thế mạnh của ông trong việc tìm kiếm ra một phương pháp học, là khoa có thể đưa áp dụng vào xã hội. Bởi vì một sự tri thức lĩnh hội được như thế thì cuối cùng sẽ coi chính chân lý như là một thành quả của thời đại, và Bacon đã nêu lên câu hỏi: Nếu từ sự ý thức về một tính chất lịch sử của chân lý thì trong mức độ đó người ta còn có thể thông tri, và tính chất lịch sử đó luôn luôn cần thiết phải là một cái gì mới mẻ và khác hẳn, phải chăng sự phủ nhận một cách dễ dàng tất cả những tiền đề dự đoán trước sẽ không kéo theo hậu quả? Đối với Bacon, phương cách giải quyết nằm trong chính việc tiếp cận thực nghiệm hữu lý với thế giới, và trong đó cả chính trị cũng trở thành một nghệ thuật và một lý thuyết về nhà nước cụ thể và hữu lý, và trở thành số học chính trị.

Việc nổ lực tìm kiếm một phương pháp học bao quát rộng lớn như thế thường mang theo một nguy hiểm là không thể hoàn thành được. Còn về chín cách thức của những phương tiện trợ giúp mà Bacon sử dụng thì một điều có thể nói được là chắc chắn, đó là chỉ nói lên được một sự phỏng đoán mà thôi. Vì thế một câu hỏi được đặt ra là phải chăng một sự thành thực như thế là chủ ý của tác phẩm chứ không phải là một hệ thống đã hoàn tất ?

Một điều hiển nhiên là xét về phương diện tư duy, phương diện cuộc sống và phương diện khảo cứu, toàn diện tác phẩm của Bacon đã được đón nhận một cách hết sức nồng hậu. Trong khi đề cập về vấn đề tương quan giữa con người với thế giới, giữa chủ thể và đối tượng, Bacon không những đã đề cập tới chính những chủ đề thực tế của thời đại ông, nhưng còn là những vấn đề trọng tâm của chính triết học nữa. Bởi vì, việc con người và xã hội cần phải thường xuyên tự khám phá chính mình và mang đầy tính chất sáng tạo, luôn luôn là trọng tâm của tư tưởng Bacon.

Quả thật, qua sự lạc quan hồ hởi của ông đối với trái đất, một trái đất đã được con người thực sự biến đổi thành quê hương của mình, Bacon đã chứng tỏ cho thấy ông quả là đứa con của thời phục hưng. Nhưng đồng thời ông cũng đã thực hiện được một bước nhảy vọt vào trong một thời đại mới: Ông hồ hởi tán dương sự tư duy trong khoa học và nghệ thuật như là một sự giải phóng con người. Chính tư duy làm cho con người thống trị thiên nhiên. Chính sự hồ hởi tán dương tư duy cộng thêm sự đề cao phạm vi duy nghiệm đã làm cho ông trở thành «vị tiền hô» của chủ nghĩa Ánh Sáng, của phong trào cải cách vào thế kỷ XVIII ở Âu Châu và của chủ nghĩa Duy Vật Anh Quốc. Vì thế, người ta không còn lấy làm ngạc nhiên khi các đại triết gia thuộc phái Duy Nghiệm và thuộc phong trào cải cách ở các nước Anh và Pháp, như David Hume và John Locke, Diderot và Voltaire hay Isaac Newton, v.v… đã coi Bacon như tổ phụ của mình. Nhưng cả thuyết Duy Lý trong các suy diễn tư tưởng của mình cũng đã chịu ảnh hưởng sâu xa tinh thần của Bacon, tiêu biểu nhất là qua các triết gia như René Descartes và Gottfried Wilhelm Leibniz.

Ước mơ to lớn nhất của Bacon là soạn thảo ra được một cuốn bách khoa tự điển toàn thư, trong đó ghi nhận mọi thành quả khoa học của tất cả mọi học giả. Nhưng ngày nay người ta đánh giá ước mơ đó chỉ là một ảo vọng, một dự định hoàn toàn hão huyền. Tuy nhiên, qua hình thức thiết lập các hàn lâm viện mới hay ngay cả những khoa học mới (nếu như những khám phá mới mẻ nhất đòi hỏi điều đó) các quan điểm của Bacon vốn chứa đựng trong mình một mầm mống đầy hy vọng và rất đáng trân trọng. Bởi vì, ý tưởng về một sự cộng tác của các nhà khảo cứu khoa học khác nhau cùng nhằm tới mục đích là cùng tập hợp tất cả mọi hiểu biết khoa học của họ lại với nhau, sẽ tạo ra được sự tin cậy trong công việc của những ngành khoa học khác, và đó là một điều mà hiện nay thế giới khoa học đang khẩn cấp cần tới.

__________________________

Sách tham khảo:

Francs Bacon: «Neues Organon». 2. Bände, Felix Meiner, Hamburg 1990.