Joseph
Joseph, Giu-se. Là con trai út trong 12 người con của ông Jacob (Gia-cóp). Do là con cưng của Jacob, Giuse bị anh em ganh tị. Khi “ông may cho cậu một áo chùng dài tay,” các anh em không đồng ý cách cư xử ưu tiên này. Họ còn nghĩ đến chuyện giết cậu, nhưng Reuben (Rưu-vên) khôn ngoan can ngăn họ (St 37:3-22). Giuse bị bán cho người Ai cập làm nô lệ (St 37:28), tuy nhiên nhờ sự che chở của Đức Chúa, Giuse sớm vươn lên các địa vị có trách nhiệm lớn (St 39:1-6). Trong cuộc hạn hán ảnh hưởng tòan vùng, Giuse đã đưa ra sự phục vụ có giá trị (St 41:37-49). Ông đã sum họp một cách không ngờ với các anh em mình, mà Jacob sai đi qua Ai cập tìm mua lương thực. Các anh em không nhận ra ông, nhưng ông nhìn biết họ ngay tức thì. Sau khi thử thách họ nhiều lần, ông tiết lộ danh tánh cho họ biết và bảo họ về Canaan (Ca-na-an) đem thân phụ qua với ông. Ông sắp xếp cho cả gia đình định cư tại Goshen (Gô-sen) ở Ai Cập, nơi họ được bảo đảm cuộc sống sung túc bao lâu họ muốn (St 42, 43, 44, 45). Lẽ tất nhiên Jacob rất vui mừng được gặp lại con cưng của mình, và được Chúa bảo đảm rằng đó là một động thái tốt, Jacob giao phó toàn bộ gia đình, gồm 70 người khỏe mạnh, cho Giuse bảo bọc (St 46). Jacob sống 17 năm hạnh phúc ở Ai Cập (St 47), nhưng khi biết mình sắp chết, ông xin được an táng ở đất Canaan với ông nội Abraham (Áp-ra-ham) và thân phụ Isaac (I-xa-ác, St 49:29-33). Giuse tôn trọng ý nguyện của cha. Chính Giuse sống thọ 110 tuổi và được an táng ở Ai Cập (St 50:26).
Joseph (Barnabas)
Joseph Barnabas, Giu-se Ba-na-ba, Giô-xết Ba-na-ba. Còn gọi là Joses (Giô-xếp). Nhiều lần ông được nhắc đến tên Giuse hoặc Joset (Mt 13:55; 27:56; Mc 6:3; 15:40), nhưng ông thường được biết đến nhiều hơn với tên họ Barnabas, vốn được các Tông đồ đặt cho và có nghĩa là “người có tài yên ủi” (Cv 4:36), do công tác nổi bật của ông thời Giáo hội sơ khai. (Từ nguyên Do Thái cổ yoseph, Chúa đưa thêm vào; Barnabas, từ ngữ Aramaic, con của sự an ủi.)
Joseph (Barsabbas)
Joseph Barsabbas, Giô-xếp Ba-sa-ba. Ông là một môn đệ của Chúa Giêsu, dường như là một trong 72 môn đệ được thánh sử Luca nhắc đến (Lc 10:1). Khi các Tông đồ chọn người thay thế cho Judas (Giu-đa), Barsabbas và Matthias (Mát-thi-a) là ứng viên. Việc chọn lựa được quyết định bằng cách bốc thăm và Matthias trở thành Tông đồ thứ Mười hai (Cv 1:23-26).
Josephinism
Chủ thuyết Giuse. Là chính sách Giáo hội-Nhà nước của Giuse II (1741-90), Hòang đế nước Áo, vốn bênh vực sự can thiệp thế quyền và quyền tối thượng của Nhà nước trong các vấn đề Giáo hội. Ông hợp nhất hầu hết các tài sản của Giáo hội và dồn mọi qũi tôn giáo vào một Religionsfund (Quĩ tôn giáo) lớn cho nhu cầu phụng tự công cộng. Để hoàn thành mục tiêu này, vua xóa bỏ mọi tu viện và tục hóa chúng. Để can thiệp vào các vấn đề Giáo hội, thậm chí đến qui định về sử dụng nến, ông được gọi là “Hòang đế Ông từ.”
Joseph Of Arimathea
Giuse thành Arimathea (A-ri-ma-thê), Giô-xếp thành A-ri-ma-thê. Ông là người Do Thái giàu có và là thành viên của Thượng Hội đồng. Tại phiên tòa xử Chúa Giêsu, ông không tham dự vào việc tố tụng. Sự việc ông là một môn đệ bí mật được nói rõ trong chứng từ của các thánh sử Mátthêu và Marcô (Mt 27:57; Mc 15:43). Ít lâu trước khi Chúa Giêsu chịu chết, ông Giuse xuất hiện trước tổng trấn Philatô và xin phép an táng Chúa (luật Do Thái qui định xác của tử tội phải được chôn cất trong cùng ngày) (Đnl 21:22-23). Quan Philatô ra lệnh trao trả thi hài Chúa cho ông, ông lấy tấm vải gai sạch mà liệm thi hài Chúa, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ (Mt 27:57-60).
Joshua
Joshua, ông Giô-suê, sách Giô-suê. Là con trai của ông Nun, một người Ephraim (Ép-ra-im). Ông là một chỉ huy quân đội và là anh hùng, với tên ông được xuất hiện lần đầu trong Cựu Ước khi ông giành chiến thắng quân sự lớn cho ông Moses (Mô-sê) trước quân người Amalekite (A-ma-lếch, Xh 17:8-16). Uy thế của ông dâng lên, và vâng lời Đức Chúa, ông Moses đã chọn Joshua làm người kế nhiệm và dẫn đưa người Do thái ra khỏi Ai Cập và vào đất Canaan (Ca-na-an, Ds 27:18-23). Ông Moses thất bại vì không vào được Đất Hứa, còn Joshua thành công trong việc vào Đất Hứa (Đnl 31:2). Lịch sử của thành tích vĩ đại này xuất hiện trong sách Joshua (Giô-suê, Gs), vốn kể lại việc chinh phục đất Canaan, phân chia lãnh thổ cho 12 chi tộc, và những ngày cuối đời của Joshua (Gs 1-12, 13-21, 22-24). Joshua là gương mặt nổi trội trong sách này, nhưng ông không phải là tác giả của sáchj. Một phần quyển sách được viết ra trong khi ông còn sống, việc viết sách này diễn ra trong một thời gian dài, và nhiều người góp phần vào việc viết. Vì vậy, nó là tấm vải có nhiều sợi dệt. Nó cung cấp cái nhìn tòan vẹn trên một thời kỳ lịch sử phức tạp và lâu dài, được lý tưởng hóa để bảo đảm sự đón nhận kính trọng của người Do Thái. Ít lâu trước khi qua đời, Joshua tập họp mọi kỳ mục, thẩm phán và tư tế dự đại hội lớn ở Shechem (Si-khem). Họ đồng thanh nhất trí từ bỏ mọi thần, và cùng với dân chúng chuyên tâm phụng sự Đức Chúa. Đây là một trong những hành động hợp nhất lớn trong lịch sử của Israel. Khi cuộc đời đã mãn, Joshua, người tôi trung của Đức Chúa, qua đời và được an táng ở Ephraim (Gs 24:29-31).
Josiah
Josiah, Vua Giô-si-gia. Là thái tử của Amon (A-môn), Vua xứ Judah (Giu-đa) trong thế kỷ thứ bảy trước Công nguyên. Amon bị sát hại khi còn trẻ bởi các thuộc hạ không trung thành. Do vua được dân chúng kính trọng, các kẻ âm mưu chống lại vua đã bị sát hại và Josiah lên ngôi Vua, mặc dầu khi ấy mới lên tám tuổi (II V 22:1). Triều đại vua kéo dài 31 năm, cho đến khi vua tử trận ở Megiddo (Mơ-ghít-đô) trong trận chiến với người Ai Cập (II V 23:30). Một trong các hòang tử lên kế vị, nhưng rồi sớm bị lọai bởi ảnh hưởng mạnh của người Ai Cập, và một hòang tử khác lên ngôi Vua. Đó là Vua Jehoiakim (Giơ-hô-gia-kim, II V 23:31-35). Trong triều đại của Vua Josiah, trong khi Đền Thờ được sửa chữa, nhân công đã tìm thấy một cuốn sách lạc mất từ lâu, vốn sẽ là rất quan trọng cho Vua và thần dân. Sách này được gọi là Sách Luật, và cung cấp cơ sở cho nhiều cải cách tôn giáo (II V 22:8). Nhiều bội giáo phát triển qua nhiều năm đã được sửa chữa. Josiah dùng các giáo huấn của sách để làm sáng tỏ các lý tưởng Do Thái, và khử trừ các niềm tin và tập tục sùng bái ngẫu tượng. Các lề luật cải cách tôn giáo như thế đã trở thành hiến pháp của quốc gia, và nâng mức tinh thần và luân lý của Judah lên tầm cao hơn so với mọi thế hệ khác (II V 23). “Trước vua, không có vua nào đã trở lại với ĐỨC CHÚA hết lòng, hết dạ và hết sức mình, theo đúng Luật Mô-sê, như vua; và sau vua, cũng chẳng thấy xuất hiện vua nào được như vua." (II V 23:25).
Jot
Chút xíu, một chấm một phết. Là vật nhỏ xíu, một ý nghĩa phát sinh từ sự việc nó là mẫu tự nhỏ nhất trong bảng chữ cái Do Thái cổ. Thánh Mátthêu trích dẫn chữ này khi Chúa Giêsu nhấn mạnh sự việc rằng “một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành" (Mt 5:18).
Joy
Niềm vui, vui mừng, hoan hỉ. Trong văn chương tu đức, là tình cảm nổi lên bởi sự chờ mong hoặc chiếm hữu điều tốt lành. Là một trong các hoa quả của Chúa Thánh Thần. Cảm xúc vui mừng tác động đến cơ thể, nhưng chủ yếu chúng nằm trong các khả năng cao hơn của linh hồn. Niềm vui khác với khóai lạc, vốn có thể ảnh hưởng đến tinh thần nhưng phát sinh từ một cảm xúc trong cơ thể. Như vậy, niềm vui được sở hữu bởi các thiên thần và con người, và nguồn gốc của nó là ý chí có lý tính.
Joyful Mysteries
Năm sự vui. Năm sự đầu tiên của chuỗi Mân Côi Đức Bà, gồm có: 1. truyền tin cho Đức Bà Maria; 2. Đức Bà đi viếng bà thánh Elizabeth (Y-sa-ve); 3. Đức Chúa Giêsu sinh trong hang đá Bê Lem; 4. dâng Chúa Kitô trong Đền thánh; 5. tìm được Chúa Kitô trong Đền thánh.
Joys Of The Blessed Virgin Mary
Thất hỉ Thánh Mẫu, bảy niềm vui của Đức Mẹ. Là việc đạo đức để ghi nhớ các niềm vui đặc biệt trong cuộc đời Đức Mẹ Maria. Số niềm vui là năm hoặc bảy, đôi khi là mười hai, nhưng các niềm vui được kỷ niệm nhiều nhất thời nay là việc Truyền tin cho Đức mẹ, Đức Mẹ đi viếng, Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu, Chúa Giêsu tỏ mình, tìm được Chúa Giêsu trong Đền thánh, Chúa sống lại và Đức mẹ Lên Trời. Dòng Phanxicô cử hành các niềm vui của Đức Trinh Nữ với một lễ đặc biệt, và cũng phổ biến việc đạo đức Chuỗi bảy sự vui của Đức Mẹ. Việc đạo đức này là rất phổ biến ở nước Anh Công giáo cổ, và ngày nay một lễ vào ngày thứ Hai sau Chủ nhật thứ nhất sau Phục Sinh cử hành bảy sự vui của Đức Mẹ ở Bồ Đào Nha và Brazil.
Jubal
Jubal, Giu-van. Là con trai của ông Lamech (La-méc) và bà Adah (A-đa) trong dòng dõi của ông Cain (Ca-in). Trong sách Sáng thế, ông được mô tả là “ông tổ các người chơi đàn thổi sáo.” Theo cách nói hiện đại, ông có thể được gọi là Ông tổ của Nghệ thuật Âm nhạc (St 4:21).
Jubilee
Năm toàn xá, ơn toàn xá, kim khánh. Trong Cựu Ước, là lễ mừng của người Do Thái cứ 50 năm một lần, để kỷ niệm việc dân Do thái được giải thóat khỏi Ai Cập. Lễ này được Đức Chúa truyền lệnh cho Moses (Mô-sê) như sau: “Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với (các) ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình" (Lê-vi, Lv 25:10). Trong Giáo hội Công giáo, năm thánh (năm tòan xá) có lẽ bắt đầu từ năm 1300 thời Đức Giáo hòang Boniface VIII, và được đánh dấu bởi các cuộc hành hương về Roma, với các lễ nghi đặc biệt ở đó và khắp nơi trong thế giới Kitô giáo. Từ năm 1470, tập tục tổ chức năm thánh là cứ 25 năm một lần. Tuy nhiên, các Đức Giáo hòang đã tuyên bố năm thánh ngọai thường vào một số thời điểm, chẳng hạn năm 1933 để kỷ niệm 1900 năm ngày Chúa Cứu chuộc lòai người. Lễ kim khánh cũng được mừng bởi các Giám mục, linh mục, tu sĩ và người có gia đình, để kỷ niệm 50 năm ngày họ được truyền chức linh mục, 50 năm ngày khấn Dòng hay 50 năm ngày cưới. (Từ nguyên Latinh jubilaeus [năm], “[năm] tòan xá," chữ biến thái [chịu ảnh hưởng của từ ngữ Latinh jubilare, vui mừng]; từ ngữ Hi Lạp i_b_laios, từ chữ i_b_los, tòan xá, từ chữ Do thái cổ Hebrew y_bh_l, “sừng cừu" [dùng để công bố năm tòan xá].)
Jubilee Indulgence
Ơn toàn xá. Là ơn đại xá được Đức Giáo hòang ban cho nhân năm tòan xá cứ 25 năm một lần, hay vào các dịp ngọai thường. Trong thời điểm này, các cha giải tội cũng được trao năng quyền đặc biệt có lợi cho các hối nhân.
Jubilees, Book Of
Sách Giôben (ngụy thư). Được gọi là sách Sáng thế nhỏ (khỏang năm 100 trước Công nguyên), là lịch sử thế giới từ lúc sáng tạo trời đất đến lúc ban Luật trên núi Sinai. Được viết bằng tiếng Aramaic, sách bênh vực các quan điểm Do Thái cổ hơn là Hi Lạp.
J.U.D.
J.U.D., Juris Utriusque Doctor -- Tiến sĩ lưỡng luật (dân luật và giáo luật).
Jud
Jud, Judicium – phán quyết, phán xét, phán đoán, bản án.
Judah
Judah, Giu-đa. Là con trai thứ tư của ông Jacob (Gia-cóp) và bà Leah (Lê-a); tên ông được đặt cho một trong 12 chi tộc Israel (St 29:35). Từ Judah có các hậu duệ là Jesse (Gie-sê) và David (Đa-vít) và cuối cùng là Chúa Giêsu (Lc 3:23-33). Jacob tất nhiên đã nhìn thấy sự cao cả tiềm tàng nơi Judah, vì khi ông chúc phúc và nói sứ ngôn cho mỗi một trong 12 người con, lời khen dành cho Judah là gây ấn tượng hơn lời khen cho các người con khác (St 49:8). Chi tộc của Judah phồn thịnh và có thêm vùng lãnh thổ, cho đến khi trở thành một trong các vương quốc hùng mạnh nhất ở Palestine. Trong 12 chi tộc, chỉ có chi tộc Judah và chi tộc Benjamin (Ben-gia-min) là vẫn trung thành với Nhà David. Vương quốc tồn tại lâu dài cho đến khi Jerusalem sụp đổ vào năm 586 trước Công nguyên.
Judaizers
Kitô hữu chủ trương giữ luật Do Thái. Là các Kitô hữu người Do Thái thời Giao hội sơ khai, họ xem luật Mô-sê vẫn còn ràng buộc mình. Việc họ giữ ngày Sabbath (Sa-bát) thay vì ngày Chủ nhật, chịu cắt bì, và các luật ăn chay nghiêm ngặt vẫn là các tập tục chính mà họ còn muốn duy trì. Một người này là Kitô hữu chân thật, nhưng một số khác người Ngộ đạo lạc giáo. Các Kitô hữu gốc Do Thái giáo tại Antioch đã bị thánh Phêrô phản đối, vì họ cho rằng việc cứu độ là tùy vào đã được cắt bì hay không, và cuối cùng ngài tách khỏi những người tự gọi là Kitô hữu này, mặc dầu lúc ban đầu ngài đã từ chối ăn các thức ăn mà luật Môsê xem là không sạch.
Judas Iscariot
Judas Iscariot, Giu-đa Ít-ca-ri-ốt. Là con trai của ông Simon (Si-môn), ông là Tông đồ duy nhất không thuộc vùng đất Galilee (Ga-li-lê). Mối quan tâm đặc biệt của ông là tiền bạc, do đó ông phụ trách giữ túi tiền của nhóm Tông đồ (Ga 13:29). Đây là sự bổ nhiệm bất hạnh, theo thánh sử Gioan. Gioan nhắc đến Giuđa “y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung" (Ga 12:6). Hơn nữa, Giuđa đã phản đối gay gắt với Chúa Giêsu vì Chúa cho phép bà Mary (Ma-ri-a) Magdalene xức chân Chúa với dầu thơm hảo hạng, ông lập luận rằng nên bán dầu thơm lấy tiền cho người nghèo (Ga 12:1-8). Tính tham lam thái quá của ông đã làm cho ông phản bội Chúa Giêsu. Ông biết rằng vị thượng tế Caiaphas (Cai-pha) đang nôn nóng bắt cho được Chúa, nên ông gặp thượng tế và thỏa thuận chỉ điểm bắt Chúa vào dịp thuận tiện với giá ba mươi đồng bạc (Mt 26:14-16). Các Tông đồ rất ngạc nhiên tại Bữa Tiệc Ly khi Chúa Giêsu nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy" (Ga 13:21). Giuđa thực hiện thỏa thuận với Caiaphas bằng cách dẫn một số người vũ trang đến Vườn Gethsemane (Ghết-sê-ma-ni), và hôn Chúa như dấu hiệu nhận dạng, và dựa vào đó nhóm lính bắt giữ Chúa (Mt 26:47-56). Kinh thánh viết rằng khi Giuđa biết rằng Chúa bị kết án tử hình, ông hối hận (Mt 27:3-5). Không có cách nào biết các động cơ của ông. Ông ném số tiền bạc đã nhận vào Đền Thờ, phản đối rằng Chúa là vô tội, và khi người ta không biết sự phản đối của ông, ông đi thắt cổ. Các tác giả Tin Mừng không khai thác sự phản bội của Giuđa. Các ngài chỉ nói rằng Satan (Xa-tan) đã nhập vào Giuđa, và xem ông là kẻ phản bộ (Lc 22:3). Vị trí của ông trong số các Tông đồ đã được Matthias (Mát-thi-a, Cv 1:26) thay thế. (Từ nguyên Hi Lạp ioudas, từ chữ Do Thái cổ yehudhah, để Chúa được chúc tụng. Từ ngữ Hi Lạp iskari_t_s.)
Judas Maccabeus
Judas Maccabeus, Giu-đa Ma-ca-bê. Là con trai của tư tế Mattathias (Mát-tít-gia) và là một chỉ huy của quân đội Do thái; ông giải thoát dân Do Thái khỏi ách người Syria trong cuộc chiến giành độc lập. Ông sai các phái viên đến Roma để ký kết hiệp ước hòa bình giữa người Do Thái và người Roma. Liên minh này được thực hiện thành công, nhưng trước khi tin tức lan về đông phươpng, Giuđa đã bị đánh bại và tử trận vào năm 161 trước Công nguyên, trong trận chiến ở Elasa (Ê-la-xa). Khi ông chết, “Toàn dân Ít-ra-en khóc thương ông và tổ chức tang lễ trọng thể; họ để tang nhiều ngày và khóc rằng: "Than ôi, người anh hùng giải thoát Ít-ra-en nay ngã gục" (I Mcb 9:20-21). Hai cuốn sách Maccabees (Macabê, Mcb), được gọi tên như thế do hai sách kể lại lịch sử người Do Thái thời ông Giuđa Macabê, là một phần của chính lục Kinh thánh Công giáo, nhưng bị hủy bỏ (hoặc bị xem là ngụy thư) trong Kinh thánh Tin Lành. Các chiến công của Giuđa Macabê là chủ đề của một nhạc phẩm ôratô nổi tiếng của George Frederick Handel (1685-1759).
Jude, Epistle Of
Thư thánh Giu-đa (Gđ). Là thư của thánh Tông đồ Giuđa, biệt danh là Thaddaeus, được viết ra để củng cố đức tin của những người Do Thái trở lại đạo Công giáo. Do đó, đây là lời cảnh báo chống lại các ngôn sứ giả. Các lời minh họa được rút ra từ Cựu Ước, nhưng cũng từ văn chương khải huyền Do Thái, cụ thể là cuộc tranh luận về thi hài ông Moses (Mô-sê) và sách Enoch (Kha-nốc). Bằng chứng về các sự trừng phạt trước kia của Chúa là sự bảo đảm sứ ngôn rằng một sự trừng phạt tương tự đang chờ các thầy dạy giả hiệu. Có lẽ phần lớn thư được viết tại Jerusalem trước khi thành này bị phá hủy năm 70, thư bênh vực tính chất bí nhiệm của đức tin Kitô giáo, chống lại những “ai lại nói phạm đến những điều họ không biết” (Gđ 10).
Judges, Book Of
Sách Thủ lãnh (Tl). Là cuốn sách thứ bảy của Kinh thánh, được gọi tên như thế bởi vì nó nói đến các biến cố chung quanh các thủ lãnh tạm thời của Israel gọi là “Thẩm phán, thủ lãnh”. Sách trình bày thời kỳ giữa cái chết của Joshua (Gio-suê) và ông Samuel (Sa-mu-en). Mục đích của tác giả là minh hoạ việc Chúa Quan phòng, nói rằng sự bội giáo luôn bị trừng trị còn sự trung thành với Chúa sẽ được khen thưởng.
Judgment
Phán đóan, đóan xét, phán xét, phán quyết. Nói chung, đây là hành động của tâm trí trong việc khẳng định hoặc bác bỏ một sự gì. Theo triết học, phán đoán là hành vi tâm trí hết hợp hai ý tưởng trong sự khẳng định sự thỏa thuận của chúng, chẳng hạn Chúa là tốt lành, hoặc phân rẽ chúng trong sự phủ nhận sự thỏa thuận của chúng, chẳng hạn Chúa là không xấu. Trong luân lý, phán đoán là một quyết định đúng đắn về điều gì là đúng hoặc thích hợp hoặc khôn ngoan. Nó cũng là một quyết định của bề trên trong một xã hội tự nhiên (như Nhà nước) hoặc một xã hội siêu nhiên (Như Giáo hội), qui định điều gi cần phải làm hoặc thực thi công lý.
Judgment, General
Phán xét chung. Là sự phán xét toàn thể loài người khi kẻ chết sống lại lúc tận thế. Sự phán xét được diễn tả trong mọi kinh Tin kính, vốn khẳng định rằng Chúa Kitô hiện nay “ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, và Người sẽ trở lại trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết,” nghĩa là người lành và kẻ dữ. Đây sẽ là một sự phán xét xã hội, bởi vì nó sẽ biểu lộ cho thế giới biết sự công lý của Chúa trong việc kết án người tội lỗi, và lòng Chúa xót thương cho ai được cứu độ. Đây cũng sẽ là sự phán xét toàn diện, qua sự tỏ hiện không chỉ lối sống đạo đức của người ta, mà còn mọi phúc lành hoặc mọi xúc phạm phát sinh từ việc lành hoặc việc xấu của mỗi người.
Judgment, Particular
Phán xét riêng. Là sự phán xét cá nhân cho từng người ngay sau khi người ấy qua đời. Đây là sự phán xét theo nghĩa rằng Chúa quyết định số phận vĩnh viễn một người, mà không thể thay đổi, tùy theo sự cộng tác của người ấy với ơn Chúa khi người ấy còn sống ở trần gian.
Judicial Work
Lao động pháp lý, công việc tòa án. Là một loại lao động bị cấm vào ngày chủ nhật hoặc ngày lễ nghỉ, trừ khi bị công ích đòi hỏi hoặc được tập tục hợp lý cho phép. Công việc tòa án là sự tố tụng bao gồm các công việc bình thường của tòa án, chẳng hạn đưa ra xét xử, làm nhân chứng, thông qua phán quyết. Các thẩm phán và luật sư không bị cấm làm công việc pháp lý cách riêng tư, chẳng hạn chuẩn bị buổi họp hoặc tổ chức tham vấn riêng.
Judith
Judith, bà Giu-đi-tha, sách Giu-đi-tha (Gđt). Từ ngữ có nghĩa là “người nữ Do Thái.” Bà là nữ anh hùng trong sách Judith, vốn là một truyện hư cấu lịch sử (Gđt 7). Các chi tiết trận chiến thật gây ấn tượng, nhưng mục đích cuốn sách chủ yếu là giáo huấn. Khi người Israel khiếp sợ chờ đợi cuộc tấn công và tiêu diệt của đại tướng chỉ huy quân đội Holofernes (Hô-lô-phéc-nê) của Vua Nebuchadnezzar (Na-bu-cô-đô-nô-xo), bà Judith xinh đẹp và thông minh, được Đức Chúa linh ứng, đã đến thăm đồn trại người Assyrian (Át-sua), bà mê hoặc tướng quân với sắc đẹp và lợi khẩu của mình, và trong đêm bà đã giết ông và chặt đầu ông. Trong trận chiến ngay sau đó, người Át-sua mất tinh thần đã bị đánh bại, và bà Judith trở thành anh hùng quốc gia (Gđt 10-13). Đây là một chuyện kể hào hứng, để dạy cho người Do Thái biết tầm quan trọng của việc cậy dựa vào Đức Chúa khi tai họa đe dọa.
J.U.L.
J.U.L., Juris Utriusque Licentiatus -- Cử nhân lưỡng luật.
Julian Calendar
Lịch Julius. Là nỗ lực của Julius Caesar để cho niên lịch phù hợp với thời gian của Trái đất khi nó quay một vòng chung quanh Mặt trời. Lịch Gregorian, do Đức Giáo hòang Gregory XIII qui định, thay thế lịch Julius vào năm 1582 và hiện nay được sử dụng gần khắp thế giới, sửa chữa lịch Julius cho phù hợp với năm thiên văn.
Jur
Jur, Juris – của luật.
Juridical Duty
Nghĩa vụ tư pháp. Là nghĩa vụ giữa người bình đẳng ràng buộc về công bằng, nhất là theo luật tự nhiên và công băng giao hóan tự nhiên. Đây là nghĩa vụ phù hợp với quyền chặt chẽ.
Juridical Order
Trật tự tư pháp. Là tòan thể hệ thống quyền lợi và nghĩa vụ, dù là dân sự hay tôn giáo, liên quan đến tập tục và thực thi công lý.
Juridical Positivism
Thuyết duy thực nghiệm tư pháp. Là thuyết cho rằng, mặc dầu có luật tự nhiên, không có quyền tự nhiên. Theo thuyết này, mọi nhân quyền đều được trao bởi chính quyền dân sự, sự thỏa thuận lẫn nhau, sự tự do cá nhân hoặc bởi tập quán biểu lộ tinh thần của một dân tộc.
Juridical Rights
Quyền tư pháp. Là các quyền mà một người có thể dùng vũ lực hoặc quyền thế để bảo vệ hoặc phục hồi. Do đó quyền sống và quyền tư hữu là quyền tự pháp bởi vì bình thường chúng có thể được bảo vệ bởi các phương tiện thể lý. Một đứa trẻ chưa ra đời không có sức mạnh để bảo vệ quyền sống của mình. Nhưng mặc dầu đứa trẻ bị xúc phạm thể lý, quyền của bé vẫn còn, vì quyền này không thể vị xúc phạm về tinh thần, vốn thuộc về yếu tính của quyền. Điều này có các hàm ý thực tế quan trọng trong việc bảo vệ quyền sống tư pháp của trẻ chưa ra đời, khi bé bị đe dọa phá thai.
Jurisdiction
Quyền cai quản, quyền tài phán. Trong luật Giáo hội, đây là quyền thực thi quyền bính chính thức và công khai trong một số khả năng. Do đó một giám mục có quyền tài phán trong giáo phận của ngài, một cha xứ trong giáo xứ, các linh mục trong việc ban các bí tích, linh mục và phó tế trong việc rao giảng, và các bề trên Dòng tu trong việc hướng dẫn thành viên trong cộng đòan của các vị. (Từ nguyên Latinh ius, quyền + dicere, nói: iurisdictio, quyền chính thức.)
Jus Gentium
Jus Gentium, Pháp luật dân gian, lệ pháp. Là luật các dân tộc, luật quốc tế. Nó bao gồm các qui chuẩn xác định sự ứng xử của các quốc gia trong mối quan hệ với nhau.
Jus Jurandum
Jus Jurandum, lời tuyên thệ, lời thề hứa. Là bất cứ lời thề nào mà đôi khi Giáo hội đòi hỏi nơi tín hữu, và nhất là nơi các linh mục. Chẳng hạn Lời thề chống phong trào Tân tiến, được Thánh Giáo hòang Piô X qui định cho các giáo sư chủng viện phải thề.
Jus Primae Noctis
Jus Primae Noctis, Luật đêm đầu tiên. Trong thời phong kiến, là “quyền” của chủ ngủ đêm đầu tiên với vợ của người nô lệ sau khi họ kết hôn.
Justice
Công bình, công chính, công minh, công lý, tư pháp. Là nhân đức, công bình là sự xác định liên lỉ trả cho mọi người cái gì đúng là của họ. Nó là một xu hướng quen thuộc của ý chí và do đó luôn công nhận quyền của mỗi người, trong bất cứ hòan cảnh nào. Quyền nói ở đây là bất cứ những gì thuộc về một cá nhân, khác với một cá nhân khác thực thi công bình. Yếu tính của công lý, khi so sánh với đức ái, là bao hàm trong sự phân biệt giữa một người và người lân cận của người ấy; trong khi đức ái dựa vào sự kết hợp đang có giữa người yêu và người được yêu, do đó sự thực thi bác ái xem người lân cận như chính mình vậy.
Justifying Grace
Ơn công chính hóa. Là ơn qua đó một người được đưa lại vào tình bạn của Chúa, hoặc là lần đầu tiên, như trong phép Rửa tội, hoặc sau khi Rửa tội, như trong bí tích hòa giải.
Just War
Chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh chính đáng. Là xung đột vũ trang giữa hai quốc gia, vốn có thể được khoan dung về luân lý theo một số điều kiện. Các điều kiện này, được thánh Âu Tinh nêu ra đầu tiên, đã trở thành cổ điển trong giáo huấn luân lý Công giáo. Để cho cuộc chiến là chính đáng, nó phải là thiết thực với uy quyền quốc gia, nguyên nhân phải là chính nghĩa, người tham chiến phải có ý hướng đúng đắn, và cuộc chiến chỉ dùng các “phương tiện hợp thức.” “Chính nghĩa” nghĩa là quyền của quốc gia đang bị vi phạm bởi một cuộc tấn công thực sự hoặc ít là sắp xảy ra; nghĩa là các phương cách ngăn chặn xung đột khác, chẳng hạn ngọai giao hoặc cấm vận, đã được thử nhưng thất bại, hoặc là không đem lại kết quả; và cũng có nghĩa rằng có một tỉ lệ giữa những điều xấu thấy được của xung đột và những hy vọng về lợi ích của sự tham chiến.