MỤC IX. Các hình bóng; lề luật cũ có nghĩa bóng.
I. Có những hình bóng rõ ràng và có tính minh chứng; nhưng có những hình bóng khác có vẻ kém tự nhiên hơn, và chỉ có tính minh chứng đối với những người đã được thuyết phục rồi. Các hình bóng này tương tự như những hình bóng của những người dựa những lời tiên tri vào Sách Khải Huyền được họ giải thích theo óc tưởng tượng của họ. Nhưng sự khác biệt ở đây là họ không có bất cứ sự chắc chắn nào để hỗ trợ chúng. Đến nỗi không có gì bất công bằng lúc họ cao ngạo cho rằng các lời tiên tri của họ cũng có cơ sở như một số lời của chúng ta; vì họ không có những lời có thể chứng minh được như của chúng ta. Sự so sánh vì thế không công bằng. Không nên đặt ngang hàng và làm lẫn lộn những điều này vì chúng có vẻ giống nhau ở điểm này, nhưng rất khác nhau ở điểm kia.
II.Một trong những lý do chính khiến các tiên tri che giấu các phước lành thiêng liêng được họ hứa hẹn dưới các hình bóng phước lành trần thế, đó là vì họ phải xử lý với một dân tộc xác thịt, những người họ phải biến thành những người lưu giữ giao ước thiêng liêng. CHÚA GIÊSU KITÔ, mà Giuse là hình bóng, người yêu quý của cha, được cha sai đi gặp anh em mình, là người vô tội bị anh em mình bán với giá hai mươi đồng bạc, nhưng vì thế, trở thành chúa của họ, vị cứu tinh của họ, và vị cứu tinh của những người xa lạ, và vị cứu tinh của thế giới; mà điều này sẽ không có nếu không có kế hoạch để mất anh ta, nếu không có sự mua bán và sự trừng phạt mà họ đã giành cho anh ta, Trong tù, Giuse vô tội giữa hai tội phạm: Chúa Giêsu trên thập giá cũng ở giữa hai kẻ trộm. Giuse đã tiên đoán việc cứu thoát cho người này, và cái chết cho người kia, tương tự như thế: CHÚA GIÊSU KITÔ cứu một người và bỏ người kia, dù họ phạm cùng một tội ác. Giuse chỉ dự đoán: CHÚA GIÊSU KITÔ thực hiện. Giuse hỏi người sẽ được cứu có nhớ đến ông khi ông bước vào vinh quang hay không; còn người mà CHÚA GIÊSU KITÔ cứu yêu cầu Người nhớ đến anh ta khi Người bước vào vương quốc của Người.
III. Ơn thánh là hình bóng của vinh quang; vì nó không phải là cùng đích. Nó có lề luật làm hình bóng, và bản thân nó là hình bóng của vinh quang; nhưng theo cách nó đồng thời là một phương tiện để đạt được vinh quang.
IV. Hội đường không bị diệt vong, vì nó là hình bóng của Giáo hội; nhưng vì chỉ là hình bóng nên nó rơi xuống cảnh tôi đòi. Hình bóng tồn tại đến lúc có sự thật, để Giáo hội luôn được hiển thị, một là trong bức tranh đã hứa hẹn nó, hai là trong hiệu lực.
V. Để chứng minh cùng một lúc hai Giao ước, chỉ cần xem liệu các lời tiên tri của giao ước này có được ứng nghiệm trong giao ước kia hay không. Để khảo sát các lời tiên tri, cần phải hiểu chúng: vì nếu người ta tin rằng chúng chỉ có một ý nghĩa, thì chắc chắn Đấng Mêxia sẽ không đến; nhưng nếu chúng có hai nghĩa, chắc chắn rằng Người sẽ đến trong CHÚA GIÊSU KITÔ. Do đó, toàn bộ vấn đề là phải biết liệu chúng có hai nghĩa hay không, chúng là hình nóng, hay là thực tại; nghĩa là, phải tìm kiếm điều gì đó khác với những gì xuất hiện trước nhất, hoặc liệu có phải dừng lại ở ý nghĩa đầu tiên được chúng trình bày hay không.
Nếu lề luật và hy lễ là sự thật, thì chúng phải làm đẹp lòng Thiên Chúa và không được làm mất lòng Người. Nếu chúng là hình bóng, chúng phải vừa làm vui lòng vừa làm mất lòng.
Bây giờ, trong trọn bộ Kinh thánh, chúng vừa làm hài lòng vừa làm mất lòng: vậy thì chúng là các hình bóng.
VI. Để thấy rõ Cựu ước chỉ có nghĩa bóng, và qua các phước lành tạm bợ, các tiên tri hiểu các phước lành khác, việc thứ nhất, cần phải thận trọng kẻo bất xứng với Thiên Chúa khi chỉ kêu gọi con người vui hưởng hạnh phúc tạm bợ. Thứ hai, ngôn từ của các tiên tri phát biểu rõ ràng lời hứa về phước lành tạm bợ; nhưng họ cho biết lời lẽ của họ tối nghĩa, và ý nghĩa của chúng không phải là ý nghĩa họ diễn đạt một cách tỏ tường; người ta chỉ hiểu được nó vào lúc tận cùng thời gian. (Grm 23: 22 và 30: 24). Vì vậy, họ hiểu họ nói về các hy lễ khác, vị cứu tinh khác, v.v.
Cuối cùng, cần lưu ý rằng lời lẽ của họ sẽ mâu thuẫn và tự hủy lẫn nhau, nếu người ta nghĩ rằng qua các chữ lề luật và hy lễ, họ không hiểu gì khác ngoài lề luật của Môsê và các hy lễ của ông; và sẽ có sự mâu thuẫn tỏ tường và lộ liễu trong các sách của họ, và đôi khi trong cùng một chương. Từ đó cần phải hiểu là các điều khác.
VII. Người ta nói rằng lề luật sẽ được thay đổi; hy lễ sẽ được thay đổi; họ sẽ không có vua, không có hoàng tử và không có hy lễ; một giao ước mới sẽ được thiết lập; lề luật sẽ được đổi mới; các giới luật mà họ đã tiếp nhận là không tốt; hy lễ của họ đáng ghê tởm; Thiên Chúa không yêu cầu bất cứ điều gì như thế.
Ngược lại, có lời chép rằng lề luật sẽ tồn tại vĩnh viễn; giao ước này sẽ vĩnh cửu; hy lễ sẽ vĩnh cửu; vương trượng sẽ không bao giờ rời khỏi họ, vì nó không được rời xa họ ngoại trừ khi Vị vua vĩnh cửu xuất hiện.
Tất cả các đoạn văn trên có muốn nói đó là thực tại không? Không. Chúng có nói đó là hình bóng không? Không: nhưng một là thực tại, hai là hình bóng. Nhưng những đoạn đầu tiên, khi loại bỏ chúng là thực tại, có ý nói đó chỉ là hình bóng. Tất cả các đoạn văn này cùng với nhau không thể áp dụng vào thực tại; có thể nói tất cả đều nói về hình bóng: do đó chúng không nói về thực tại, mà là về hình bóng.
VIII. Muốn biết lề luật và hy lễ là thực tại hay hình bóng, cần phải xem liệu các tiên tri, khi nói về những điều này, có dừng tầm mắt và suy nghĩ của họ ở đó hay không, đến nỗi họ chỉ thấy giao ước cũ này mà thôi; hay liệu họ thấy trong đó một điều khác mà chúng chỉ là hình bóng; bởi vì trong một bức tranh, người ta thấy điều được hình dung. Muốn biết điều đó, chỉ cần khảo sát điều họ nói.
Khi họ nói rằng nó sẽ vĩnh cửu, có phải họ muốn nói đến giao ước mà họ nói rằng sẽ được thay đổi; và các hy lễ cũng thế, v.v.?
IX. Các tiên tri đã nói rõ ràng rằng Israel sẽ luôn được Thiên Chúa yêu thương, và lề luật sẽ trường tồn; và họ nói rằng người ta sẽ không hiểu được ý nghĩa của chúng, vì nó bị che giấu. Mật mã có hai ý nghĩa. Khi người ta nắm được một chữ quan trọng, trong đó họ tìm thấy một ý nghĩa rõ ràng, nhưng trong đó có lời chép rằng ý nghĩa đó bị che giấu và tối tăm; nó bị che giấu đến nỗi người ta nhìn thấy chữ đó nhưng thực ra không thấy nó, và hiểu nó nhưng thực ra không hiểu nó; người ta phải nghĩ sao, nếu không phải đó là một mật mã (chiffre) có nghĩa kép; và hơn thế nữa, người ta thấy ở đó nhiều mâu thuẫn tỏ tường theo nghĩa đen? Vậy, người ta phải quí trọng xiết bao những người khám phá ra mật mã cho chúng ta, và dạy chúng ta biết ý nghĩa giấu ẩn; và nhất là khi các nguyên tắc được họ sử dụng hoàn toàn tự nhiên và rõ ràng! Đây là điều Chúa Giêsu Kitô và các tông đồ đã làm. Các vị đã đập bể niêm phong, phá vỡ tấm màn và phát lộ tinh thần. Qua việc này, các vị đã dạy chúng ta rằng kẻ thù của con người là các đam mê của họ; Đấng Cứu Chuộc sẽ là tâm linh; sẽ có hai biến cố: một có tính khốn cùng, để hạ thấp con người tuyệt diệu; biến cố kia có tính vinh quang, để nâng cao con người bị sỉ nhục; Chúa Giêsu Kitô sẽ là Thiên Chúa và là con người.
X. Chúa Giêsu Kitô không làm điều gì khác ngoài việc dạy con người rằng họ phải yêu thương nhau, và họ là nô lệ, mù quáng, bệnh hoạn, bất hạnh và tội lỗi; cần Người phải giải thoát, soi sáng, chữa lành và ban phước cho họ; điều này sẽ được thực hiện bằng cách ghét chính mình, và bước theo Người bằng sự khốn cùng và cái chết trên thập giá.
Chữ nghĩa giết người: vì mọi điều đều xuất hiện dưới hình thức hình bóng: Chúa Kitô phải chịu đau khổ. Một Thiên Chúa bị sỉ nhục, cắt bì trái tim, chay tịnh thật, hy lễ thật, đền thờ thật, luật kép, bảng luật kép, đền thờ kép, giam cầm kép, đó là mật mã mà Người đã ban cho chúng ta.
Cuối cùng, Người dạy chúng ta rằng tất cả những điều này chỉ là hình bóng, của những điều thực sự tự do, của người Israel thật, của phép cắt bì thật, của bánh từ trời thật, v.v.
XI. Trong những lời hứa này, mỗi người tìm thấy điều mình có tận trong đáy lòng, các phước lành tạm bợ, hoặc các phước lành thiêng liêng, Thiên Chúa, hay các tạo vật; nhưng với sự khác biệt này; những ai tìm các tạo vật ở đó sẽ tìm thấy chúng ở đó, nhưng với nhiều mâu thuẫn, với lệnh cấm yêu chúng, với lệnh chỉ thờ lạy Thiên Chúa và yêu mến Người và chỉ yêu mến Người; thay vào đó, những ai tìm kiếm Thiên Chúa ở đó sẽ tìm thấy Người, và không có bất cứ mâu thuẫn nào, và với giới răn chỉ yêu mến mình Người mà thôi.
XII. Nguồn gốc của những mâu thuẫn trong Kinh thánh là, một Thiên Chúa bị sỉ nhục cho đến chết trên thập giá, một Đấng Mêxia chiến thắng cái chết bằng cái chết của mình, hai bản tính trong Chúa Giêsu Kitô, hai biến cố, hai tình trạng trong bản nhiên con người.
Vì người ta chỉ có thể mô tả một tính khí tốt bằng cách làm cho mọi điểm mâu thuẫn của họ hoà hợp với nhau, và sẽ không đủ nếu chỉ nói đến một loạt các đức tính phù hợp nhau mà không có dung hòa các đức tính mâu thuẫn nhau; muốn hiểu ý nghĩa của một tác giả, chúng ta cần dung hòa mọi đoạn văn trái ngược nhau.
Vì vậy, để hiểu Kinh thánh, người ta phải biết ý nghĩa trong đó mọi đoạn trái ngược nhau đều ăn khớp với nhau. Sẽ không đủ nếu có một nghĩa phù hợp với nhiều đoạn giống nhau; nhưng cần phải có một nghĩa hòa giải được các đoạn rất trái ngược nhau.
Mỗi tác giả có một ý nghĩa mà mọi đoạn trái ngược nhau hợp nghĩa với nhau, hoặc nó không có ý nghĩa nào cả. Người ta không thể nói điều đó về Kinh thánh, hoặc các tiên tri. Hai thực tại này thực sự có quá nhiều nghĩa tốt. Do đó, cần phải tìm một nghĩa có thể hòa hợp mọi mâu thuẫn.
Do đó, nghĩa đích thực không phải là nghĩa của người Do Thái; nhưng trong Chúa Giêsu Kitô, mọi mâu thuẫn đều được hòa hợp. Người Do Thái không biết hòa hợp việc chấm dứt vương quyền và hoàng quyền, đã được Hôsê tiên báo, bằng lời tiên tri của Giacóp. Nếu người ta coi lề luật, hy lễ và vương quốc là các thực tại, họ không thể hòa hợp mọi đoạn văn của cùng một tác giả, kể cả của cùng một cuốn sách, hoặc đôi khi của cùng một chương. Điều này cho thấy một cách khá rõ đâu là nghĩa của tác giả.
XIII. Không được phép hiến tế bên ngoài Giêrusalem, vốn là nơi Chúa đã chọn, thậm chí không được kiếm tiền thuế phần mười (décimes) ở nơi khác. Hôsê đã tiên báo rằng họ sẽ không có vua, không có hoàng tử, không có hy lễ và không có các ngẫu thần; điều đã ứng nghiệm ngày nay, (người Do Thái) không thể hiến tế hợp pháp ở bên ngoài Giêrusalem.
XIV. Khi lời của Thiên Chúa, vốn là sự thật, mà sai theo nghĩa đen, nó phải đúng theo nghĩa thiêng liêng. Sede a dextris meis (hãy ngồi bên hữu Ta). Điều này sai theo nghĩa đen; nhưng đúng về mặt thiêng liêng. Trong những cách diễn tả này, người ta nói về Thiên Chúa theo cách loài người; và điều này không có nghĩa gì khác ngoại trừ ý định của con người khi cho ai ngồi bên hữu mình, thì Thiên Chúa cũng có ý định đó. Bởi thế, đó là dấu chỉ ý định của Thiên Chúa, chứ không phải cách Người thực hiện nó. Cũng vậy, khi người ta nói: Thiên Chúa chấp nhận mùi hương hoa của các bạn, và Người sẽ ban cho các bạn làm phần thưởng một vùng đất màu mỡ và dồi dào; điều đó muốn nói cùng một ý định như của một người, khi chấp nhận mùi hương hoa của các bạn, sẽ ban cho các bạn làm phần thưởng một mảnh đất dồi dào, Thiên Chúa cũng sẽ làm như thế cho các bạn, vì các bạn đã có cùng một ý định mà một con người vốn có đối với kẻ họ tặng hương hoa.
XV. Đối tượng duy nhất của Kinh thánh là đức bác ái. Mọi điều không nhằm mục tiêu duy nhất đó đều là hình bóng của nó: vì, bởi chỉ có một mục tiêu, mọi điều không nói đến nó bằng những chữ rõ ràng đều là hình bóng. Do đó, Thiên Chúa đa dạng hóa giới luật bác ái độc đáo này để thỏa mãn sự yếu đuối của chúng ta, những kẻ vốn tìm kiếm sự đa dạng, bằng sự đa dạng luôn dẫn chúng ta đến điều cần thiết duy nhất này. Vì chỉ một điều là cần thiết mà thôi, mà chúng ta, chúng ta lại yêu thích sự đa dạng; nên Thiên Chúa thỏa mãn cả hai điều bằng các sự đa dạng này, các sự đa dạng dẫn đến điều cần thiết duy nhất này.
XVI. Các giáo sĩ Do Thái lấy làm hình bóng bộ ngực của Cô dâu, và tất cả những điều không nói lên mục tiêu duy nhất mà họ có về các phước lành tạm bợ.
Có những người thấy rõ rằng không có kẻ thù nào khác của con người hơn tư dục, là điều đã làm họ quay lưng lại với Thiên Chúa; cũng như không có phước lành nào khác ngoài Thiên Chúa, chứ không phải là mảnh đất màu mỡ. Những ai tin rằng sự thiện của con người ở trong xác thịt, và sự ác ở chỗ khiến con người xa lìa các thú vui của giác quan; đến nỗi họ say sưa và chết trong đó. Nhưng những ai tìm kiếm Thiên Chúa tự tận đáy lòng mình; những ai không có điều gì mất lòng hơn là bị loại không được thấy Người; chỉ có mỗi khao khát là được có Người, không có kẻ thù nào hơn những kẻ làm họ xa lánh Người; những người khốn khổ khi thấy mình bị bao vây và thống trị bởi những kẻ thù như thế: hãy để họ tự an ủi chính họ; có một Đấng giải thoát họ, có một Thiên Chúa cho họ. Một Đấng Mêxia đã được hứa để giải thoát họ khỏi kẻ thù; và một vị đến để giải thoát khỏi tội ác, chứ không phải khỏi kẻ thù.
XVIII. Khi Đavít tiên đoán rằng Đấng Mêxia sẽ giải thoát dân tộc ông khỏi kẻ thù của họ, người ta có thể tin theo xác thịt rằng đó là những người Ai Cập; và lúc đó, có lẽ tôi không thể chứng minh rằng lời tiên tri đã được ứng nghiệm. Nhưng người ta cũng có thể tin rằng đó là các tội lỗi: vì thật ra, người Ai Cập không phải là kẻ thù; nhưng tội lỗi quả là những kẻ thù. Chữ kẻ thù này, do đó, lưỡng nghĩa. Nhưng nếu Người nói với con người, như Người vẫn nói ở chỗ khác, rằng Người sẽ giải thoát dân Người khỏi tội lỗi của họ, như Isaia và những người khác từng làm, thì sự lưỡng nghĩa sẽ được lấy đi, và nghĩa kép của chữ kẻ thù được rút gọn thành nghĩa tội lỗi đơn giản: vì, nếu trong tâm trí, Người nghĩ đến tội lỗi, Người có thể gọi chúng là kẻ thù; nhưng nếu Người nghĩ đến kẻ thù, Người không thể gọi chúng tội lỗi.
Bây giờ, Môsê, Đavít và Isaia đã sử dụng cùng các hạn từ này. Vậy ai sẽ nói rằng họ không có cùng một nghĩa và nghĩa của Đavít, người rõ ràng chỉ tội lỗi khi nói đến các kẻ thù, không giống với nghĩa của Môsê khi nói đến các kẻ thù?
Đanien, chương 9, cầu nguyện cho sự giải thoát của dân chúng khỏi sự giam cầm của kẻ thù; nhưng ông nghĩ đến tội lỗi: và, để chứng minh điều đó, ông nói rằng Gabrien đến báo cho ông hay lời cầu của ông đã được khứng nghe, và chỉ còn bảy mươi tuần chờ đợi; sau đó dân chúng sẽ được giải thoát khỏi tội ác, tội lỗi sẽ chấm dứt; và Đấng giải thoát, Đấng Cực Thánh sẽ mang lại công lý vĩnh cửu, không phải công lý pháp lý, mà là công lý vĩnh cửu.
Ngay khi người ta mở được bí mật này, không thể nào lại không thấy nó. Người ta hãy đọc Cựu Ước dưới ánh sáng này, và xem xem các hy lễ có đúng không, liệu quan hệ họ hàng với Ápraham có phải là nguyên nhân thực sự tạo ra tình bạn với Thiên Chúa hay không, liệu miền đất hứa có phải là nơi yên nghỉ thực sự hay không. Không. Vậy, đó là các hình bóng. Người ta hãy xem như thế mọi nghi lễ được ra lệnh và tất cả các điều răn không thuộc đức bác ái, họ sẽ thấy đó là các hình bóng.
Kỳ tới: MỤC X. Về Chúa Giêsu Kitô