XXV. Người ta không bao giờ xa cách nhau mà không đau đớn. Người ta không cảm thấy mối ràng buộc của mình, khi họ tự nguyện đi theo người dẫn dắt, như Thánh Augustinô nói; nhưng khi người ta bắt đầu chống cự và bỏ đi, người ta đau khổ rất nhiều; mối liên kết bị căng thẳng, và phải chịu bạo lực; và liên kết này chính là thân xác của chính chúng ta, không bị tan nát vào lúc chết. Chúa chúng ta từng nói rằng, Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, nghĩa là từ lúc Người hiện diện trong mỗi tín hữu, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được (Mt 11: 12.) Trước khi được ơn thánh đánh động, linh hồn chỉ có sức mạnh của dục vọng đè nặng, giữ nó bám lấy trái đất. Nhưng khi Thiên Chúa kéo nó lên, hai nỗ lực đối lập tạo nên bạo lực này mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm nó bị vượt qua. Nhưng, Thánh Lêô nói, chúng ta có thể làm bất cứ điều gì với Đấng mà không có Người chúng ta không thể làm gì được. Do đó, phải quyết tâm gánh chịu cuộc chiến này suốt đời; vì không hề có hòa bình ở đây. Chúa Giêsu Kitô đến để mang theo gươm đao, không phải là sự bình an (Đã dẫn10:34.) Nhưng dù sao cũng phải thừa nhận, như Kinh Thánh, rằng sự khôn ngoan của loài người chỉ là sự ngu xuẩn trước mặt Thiên Chúa (1 Cr 3, 19), nên chúng ta có thể nói rằng cuộc chiến này, một cuộc chiến dường như gay gắt đối với loài người, là sự bình an trước mặt Thiên Chúa; vì chính sự bình an này cũng đã được Chúa Giêsu Kitô mang lại. Tuy nhiên, nó sẽ không hoàn hảo cho đến khi thân xác bị phá hủy; và đây chính là điều khiến sự chết trở thành điều đáng muốn có, trong khi đó, chúng ta hân hoan chịu sống vì tình yêu của Đấng, vì chúng ta, đã chịu đựng cả sự sống lẫn sự chết, và là “Đấng có thể làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới” như Thánh Phaolô nói (Êp 3: 20.)



XXVI. Phải cố gắng đừng đau buồn về bất cứ điều gì, và phải coi mọi sự xẩy ra là tốt nhất. Tôi tin rằng đó là một nghĩa vụ, và chúng ta phạm tội nếu không làm điều đó. Vì xét cho cùng, lý do tại sao tội lỗi là tội lỗi chỉ là vì chúng trái với ý muốn của Thiên Chúa: và do đó, yếu tính của tội lỗi hệ ở việc có một ý chí chống lại ý chí mà chúng ta biết nơi Thiên Chúa, đối với tôi, điều hiển hiện là khi Người dùng các biến cố biểu lộ ý muốn của Người cho chúng ta, nếu chúng ta không thuận theo, thì đó là một tội lỗi.

XXVII. Khi sự thật bị bác bỏ và bị bách hại, dường như đó là lúc việc chúng ta phục vụ Thiên Chúa bằng cách bênh vực Người làm đẹp lòng Người. Người muốn chúng ta dùng thiên nhiên để phán đoán ơn thánh, và do đó Người cho phép chúng ta xem xét rằng, như một hoàng tử, bị thần dân đuổi ra khỏi đất nước của mình, có sự dịu dàng cực độ đối với những người vẫn trung thành với mình trong cuộc nổi dậy công khai, thì cũng vậy, dường như Thiên Chúa nhân từ coi trọng những người bảo vệ sự tinh ròng của tôn giáo khi nó bị tấn công. Nhưng có sự khác biệt giữa các vua trên trái đất và Vua các vua, đó là các hoàng tử không làm cho thần dân của mình trung thành, nhưng thấy họ như vậy: trong khi Thiên Chúa luôn tìm thấy những người không có đức tin nếu không có ơn thánh của Người, và Người làm cho họ thành người có đức tin khi họ trở nên như thế. Vì vậy, trong khi các vị vua thường nhìn nhận họ có nghĩa vụ đối với những người trung thành với bổn phận và sự vâng lời, thì ngược lại, việc người ta vẫn tiếp tục phục vụ Thiên Chúa đều là do ơn Người vô tận.

XXVIII. Không phải sự khắc khổ của thể xác, cũng không phải các nỗ lực của tinh thần, mà là các chuyển động tốt của trái tim, mới là điều đáng khen và giúp ta chịu đựng các đau đớn của thể xác và tinh thần. Vì suy cho cùng, hai thứ này đều cần thiết để thánh hóa: đau đớn và thú vui. Thánh Phaolô nói rằng những ai bước vào cuộc sống tốt đẹp đều sẽ thấy nhiều phiền muộn và lo lắng (Cv 14:21). Điều này hẳn an ủi những ai cảm thấy phiền muộn, vì được cảnh báo rằng đường lên trời mà họ tìm kiếm thì đầy rẫy phiền muộn, họ nên vui mừng khi gặp được những dấu hiệu cho thấy họ đang đi theo con đường đích thực. Nhưng những nỗi đau đớn này không phải là không có thú vui, và không bao giờ vượt qua được ngoại trừ nhờ niềm vui. Vì những kẻ lìa bỏ Thiên Chúa để trở lại thế gian, họ làm vậy chỉ vì họ tìm thấy sự ngọt ngào trong các thú vui của trái đất hơn là các thú vui được kết hợp với Thiên Chúa, và họ bị quyến rũ bởi sức lôi cuốn lấn át của chúng, một điều khiến họ hối hận về chọn lựa đầu tiên và làm họ trở thành các hối nhân của ma qủy, như lời Tertullianô: cũng thế, người ta sẽ không bao giờ rời bỏ thú vui của thế gian để ôm lấy thập giá của Chúa Giêsu Kitô, nếu họ không tìm thấy vị ngọt ngào nào trong sự khinh miệt, trong nghèo khó, trong sự túng quẫn và trong việc bị mọi người bác bỏ, hơn là trong thú vui của tội lỗi. Và vì vậy, như Tertullianô đã nói, không nên tin rằng cuộc đời của các Kitô hữu là một cuộc đời buồn rầu. Người ta chỉ bỏ các thú vui để tìm các thú vui khác lớn hơn mà thôi. Thánh Phaolô nói, hãy luôn cầu nguyện, hãy luôn cảm tạ, hãy luôn hân hoan (1 Tx 5:16, 17, 18). Chính niềm vui tìm được Thiên Chúa là nguyên lý của nỗi buồn đã xúc phạm đến Người, và của mọi thay đổi cuộc sống. Theo Chúa Giêsu Kitô, ai đã tìm được của châu báu trong một thửa vườn thì vui mừng đến mức khiến người ấy phải bán tất cả những gì mình có để mua lấy thửa vườn đó (Mt 13: 44.) Người của thế gian có nỗi buồn của họ; nhưng họ không có niềm vui mà thế gian không thể ban cho cũng như không lấy đi, chính Chúa Giêsu Kitô nói như thế (Ga 14: 27, và 16: 22.) Các chân phúc có được niềm vui này mà không có nỗi buồn nào cả; còn các Kitô hữu có niềm vui 'trộn lẫn với nỗi buồn đã chạy theo những thú vui khác, và nỗi sợ bị mất niềm vui này bởi sự lôi cuốn của các thú vui khác luôn cám dỗ chúng ta không ngừng. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng không ngừng để duy trì nỗi sợ hãi này, vốn duy trì và điều hòa niềm vui của chúng ta; và, bất cứ khi nào cảm thấy bị lôi cuốn theo điều này, ta nên bắt tâm trí ta hướng về điều kia để có thể đứng vững. Kinh Thánh dạy (Gv 11:27), hãy nhớ những điều tốt lành trong những ngày đau buồn, và hãy nhớ những điều đau buồn trong những ngày hân hoan, cho đến khi lời hứa Chúa Giêsu Kitô đã ngỏ cùng chúng ta rằng Người sẽ làm cho niềm vui của Người tràn đầy trong chúng ta, được hoàn thành. Vì vậy, chúng ta đừng để mình bị khuất phục bởi nỗi buồn, và đừng tin rằng lòng đạo đức chỉ bao gồm những cay đắng mà không có sự an ủi. Lòng đạo đức chân chính, một điều chỉ trở nên hoàn hảo trên thiên đàng, đầy những thỏa mãn đến mức lấp đầy linh hồn ta cả lúc vó mới bước vào, lúc nó diễn tiến và lúc nó hoàn thành. Đó là một thứ ánh sáng chói lọi đến nỗi nó chiếu dõi mọi điều thuộc về nó. Nếu có bất cứ nỗi buồn pha trộn nào, nhất là lúc bắt đầu, thì nó phát xuất từ chúng ta, chứ không phải từ nhân đức; vì không phải là hiệu quả của lòng đạo đức bắt đầu có trong ta, nhưng là lòng vô đạo đức vẫn tồn tại ở đó. Chúng ta hãy loại bỏ sự vô đạo đức, thì niềm vui sẽ không thể bị pha trộn. Vì vậy, chúng ta đừng gán sự buồn sầu cho lòng đạo đức sùng kính mà là cho chính chúng ta, và tìm cách giảm nhẹ nó qua việc tu sửa chính chúng ta.

XXIX. Quá khứ không nên làm chúng ta bối rối, vì chúng ta chỉ biết hối tiếc về các lỗi lầm của mình; nhưng tương lai càng ít tác động đến chúng ta hơn nữa, vì đối với chúng ta, nó không hiện hữu chút nào, và có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ đến được đó. Hiện tại là thời gian duy nhất thực sự là của chúng ta, và chúng ta phải sử dụng nó theo ý Thiên Chúa. Chính trong thời khắc hiện sinh đó, các tư tưởng của chúng ta chủ yếu phải bận tâm. Tuy nhiên thế giới này bất an đến nỗi người ta không bao giờ nghĩ đến cuộc sống hiện tại và khoảnh khắc họ đang sống, nhưng nghĩ tới khoảnh khắc họ sẽ sống. Đến nỗi, họ luôn ở trong trạng thái sống cho tương lai, chứ không bao giờ sống cho hiện tại. Chúa chúng ta không muốn việc nhìn xa của chúng ta trải dài quá ngày chúng ta đang sống. Đó là những giới hạn mà Người muốn chúng ta tuân giữ, cho cả ơn cứu rỗi của chúng ta lẫn sự an nghỉ của chính chúng ta.

XXX, Đôi khi, người ta tự sửa mình tốt hơn nhờ thấy điều ác hơn là nhờ thấy điều thiện; và điều rất tốt là làm quen với việc lợi dụng điều ác, vì nó là điều rất thông thường, trong khi điều tốt là điều rất hiếm hoi.

XXXI. Trong chương thứ mười ba của Thánh Máccô, Chúa Giêsu Kitô đã có một diễn từ tuyệt vời cho các tông đồ về biến cố cuối cùng của Người: và vì mọi điều xảy ra cho Giáo hội cũng xảy ra cho mỗi Kitô hữu nói riêng, nên chắc chắn là toàn bộ chương này cũng tiên đoán tốt về trạng thái của mỗi người, nhờ tự hoán cải, sẽ tiêu diệt con người cũ trong họ, trạng thái của toàn thể vũ trụ sẽ bị hủy diệt để nhường chỗ cho một trời mới và một đất mới, như Kinh Thánh đã từng viết (2Pr 3:13). Lời tiên đoán ở đó nói đến sự đổ nát của đền thờ bị ruồng bỏ, điều này là hình ảnh muốn nói đến sự đổ nát của con người bị ruồng bỏ nơi mỗi người chúng ta, và về đền thờ này có lời chép rằng sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, một hình bóng muốn nói không được duy trì bất cứ đam mê nào của con người cũ; và những cuộc chiến tranh dân sự và nội chiến kinh hoàng này tượng trưng rất rõ sự bất ổn nội tâm mà những người đã dâng mình cho Thiên Chúa cảm nhận được, không có gì được tô vẽ rõ hơn, v.v.

XXXII. Chúa Thánh Thần ngự nột cách vô hình trong hài cốt của những người đã chết trong ơn thánh Thiên Chúa, cho đến khi Người tỏ mình ra cho họ một cách hiển nhiên trong biến cố phục sinh, và đó là điều làm cho hài cốt của các thánh rất đáng được tôn kính. Vì Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi những kẻ thuộc về Người, cả trong ngôi mộ, nơi thân xác họ, mặc dù đã chết trước mắt loài người, nhưng trước mặt Thiên Chúa lại sống động hơn, vì tội lỗi không còn ở đó nữa: trong khi tội lỗi luôn luôn cư ngụ ở đó suốt đời này, ít nhất ở gốc rễ của họ; vì hoa trái của tội lỗi không phải lúc nào cũng ở đó; và cái gốc rễ bất hạnh này, vì không thể tách rời khỏi họ trong trong lúc còn sống, nên làm cho chúng ta không được phép tôn vinh chúng lúc đó, vì chúng đáng bị ghét bỏ. Đây là lý do tại sao cái chết cần thiết để khắc phục hoàn toàn cái gốc rễ bất hạnh này; và đó là điều khiến nó trở nên đáng ước ao.

XXXIII. Những người được chọn không ý thức các nhân đức của họ, và những kẻ bị loại trừ không ý thức các tội ác của họ. Cả hai loại người này cùng nói, Lạy Chúa, có khi nào chúng con thấy Chúa đói đâu? v.v... (Mt 25: 37, 44). Chúa Giêsu Kitô không muốn chứng từ của ma quỷ, cũng như của những người không có ơn gọi; nhưng là chứng từ của Thiên Chúa và của Thánh Gioan Tẩy Giả.

XXXIV. Lỗi của Montaigne rất lớn. Ông ta đầy những lời bẩn thỉu và không trung thực, điều này vô giá trị. Các tình cảm của ông ta về việc cố ý giết người và về sự chết thật kinh hoàng. Ông gợi ý một sự bất cần ơn cứu rỗi, không sợ hãi, không ăn năn. Sách của ông không được viết ra để quảng bá lòng đạo đức, ông cho mình không có nghĩa vụ phải làm như vậy: nhưng người ta luôn có nghĩa vụ không được quay lưng lại với nghĩa vụ này. Mặc dù người ta có thể nói để bào chữa các tâm tư quá tự do của mình về một số điều, người ta vẫn không thể bào chữa cách nào cho các tâm tư hoàn toàn ngoại giáo của mình về sự chết; vì người ta phải từ bỏ tất cả lòng đạo đức nếu ít nhất họ không muốn chết trong tư cách Kitô hữu: nhưng qua các trước tác của mình, ông chỉ nghĩ đến chết một cách hèn nhát và êm ái.

XXXV. Điều đánh lừa chúng ta, khi so sánh những gì đã xảy ra ngày xưa trong Giáo Hội với những gì được thấy ở đó bây giờ, chúng ta thường coi Thánh Athanaxiô, Thánh Têrêxa và các vị thánh khác, là những người được tưởng thưởng vinh quang. Bây giờ thời gian đã làm sáng tỏ mọi sự, nó thực sự có vẻ như vậy. Nhưng vào lúc vị thánh vĩ đại này bị bách hại, ngài là một người có tên là Athanasiô; và Thánh Têrêxa, ở thời ngài, là một nữ tu giống như những nữ tu khác. Êlia là một người giống như chúng ta, cũng chịu cùng những đam mê như chúng ta, Thánh Tông đồ Giacôbê (Ga 5:17) cho biết như thế để làm các Kitô hữu tỉnh ngộ khỏi ý tưởng sai lầm từng khiến chúng ta bác bỏ gương của các thánh, bị coi như bất tương xứng với tình trạng của chúng ta: chúng ta bảo, họ là các vị thánh, không giống như chúng ta.

XXXVI. Đối với những người ghê tởm tôn giáo, cần phải bắt đầu bằng cách cho họ thấy rằng tôn giáo không trái với lý trí; rồi cho họ thấy, nó đáng kính, và tôn trọng lý trí; sau đó, làm cho nó nên đáng yêu và làm cho người ta mong ước nó đúng sự thật: và sau đó chứng minh bằng các bằng chứng không bị thách thức rằng nó đúng sự thật; làm người ta thấy sự cổ kính và thánh thiện của nó bằng sự vĩ đại và sự cao nhã của nó; và cuối cùng chứng minh nó đáng yêu, vì nó hứa hẹn điều tốt lành thực sự.

Một lời từ miệng Đavít, hoặc từ Môsê, như câu: Thiên Chúa sẽ cắt bì các tâm hồn (Đnl 30: 6), làm ta xét đoán được tâm trí họ. Giả sử mọi điều họ viết từ xưa đều hàm hồ lưỡng nghĩa, và không chắc họ là triết gia hay Kitô hữu: một câu như thế đủ xác định trọng điểm. Cho đến lúc đó sự mơ hồ còn kéo dài, nhưng sau đó nó không còn nữa.

Nếu chúng ta bị đánh lừa mà tin vào Kitô giáo, thì đâu có mất mát bao nhiêu. Nhưng quả là bất hạnh khi lầm tưởng tin rằng nó sai sự thật!

XXXVII. Các điều kiện dễ nhất để sống theo thế gian đều khó nhất để sống theo Thiên Chúa; và ngược lại, theo thế gian, không có gì khó khăn bằng đời sống tôn giáo; sống nó theo Thiên Chúa không còn dễ dàng gì nữa; theo thế gian, không có gì dễ dàng hơn là sống trong hào quang và giầu có; theo Thiên Chúa, không gì khó hơn là sống trong những điều kiện như thế, mà không tham dự vào chúng và thưởng thức chúng.

XXXVIII. Cựu ước chứa đựng những hình bóng về niềm vui trong tương lai, và Tân ước chứa đựng những phương tiện để đạt được điều đó. Các hình bóng là niềm vui, các phương tiện là sám hối; và tuy nhiên, chiên vượt qua được ăn với rau diếp dại, cum amaritudinibus (cùng rau diếp đắng) (Xh. 12: 8, bản Hípri), để luôn nhấn mạnh rằng người ta chỉ có thể tìm thấy niềm vui qua sự cay đắng mà thôi. Chữ Galilê, được phát âm tình cờ bởi đám đông người Do Thái, khi tố cáo Chúa Giêsu Kitô trước Philatô (Lc 23:5), đã cho Philatô lý do để giải Chúa Giêsu Kitô cho Hêrôđê; trong đó đã ứng nghiệm mầu nhiệm nói rằng Người phải bị phán xử bởi người Do Thái và dân ngoại. Tình cờ bề ngoài đã là nguyên nhân tạo nên việc ứng nghiệm mầu nhiệm.

XL. Có người một ngày kia nói với tôi rằng ông ta rất vui và tự tin khi rời khỏi tòa giải tội: một người khác nói với tôi rằng ông ta rất sợ hãi. Vì vậy, tôi nghĩ rằng nếu tâm tư của hai người này được hòa lẫn, có lẽ chúng sẽ tạo nên một tâm tư đúng, và mỗi người đều bất cập ở chỗ không có tâm tư của người kia.

XLI. Thật là vui khi ở trong một con tàu bị bão tố, mà được bảo đảm rằng mình sẽ không chết. Các cuộc bách hại đang áp đặt lên Giáo hội có bản chất như vậy. Lịch sử của Giáo hội phải được gọi một cách đúng đắn là lịch sử của sự thật.

XLII. Vì hai nguồn gốc của tội lỗi của chúng ta là kiêu ngạo và lười biếng, Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta thấy nơi Người có hai đức tính để chữa lành chúng: lòng nhân từ và đức công chính của Người. Đặc tính của công chính là triệt hạ lòng kiêu ngạo; và đặc tính của lòng thương xót là chống lại sự lười biếng bằng cách mời gọi làm các việc lành, theo lời đoạn văn sau: Lòng thương xót của Thiên Chúa mời gọi việc thống hối (Rm 2:4); và đoạn khác nói về người Ninivê: Chúng ta hãy thống hối, để xem liệu Người có thương xót chúng ta hay không (St 3:9). Như thế, thay vì lòng thương xót của Thiên Chúa cho phép việc ở nhưng không, trái lại mới đúng, không điều gì chống thói lười biếng nhiều hơn thế; và thay vì nói rằng: vì Thiên Chúa không tỏ lòng thương xót, ta phải nỗ lực hết sức để chu toàn các giới luật của Người; trái lại, cần phải nói rằng chính vì Người là Thiên Chúa của lòng thương xót nên chúng ta phải làm tất cả những gì có thể làm để chu toàn chúng.

XLIII. Tất cả những gì trên thế giới đều chỉ là tư dục của xác thịt, hoặc tư dục của đôi mắt, hoặc sự kiêu ngạo trong cuộc sống: libido sentiendi, libido sciendi, libido dominandi (1 Ga 2:16.) Khốn thay cho vùng đất bị nguyền rủa khi ba con sông lửa này thiêu đốt thay vì tưới tắm! Phúc thay những ai, ở trên những dòng sông này, không bị đắm chìm, không bị cuốn đi, nhưng vững như bàn thạch; không đứng, nhưng ngồi trong một cái đĩa thấp và chắc chắn, từ đó họ không đứng lên trước khi ánh sáng xuất hiện, nhưng sau khi đã yên nghỉ ở đó, đưa tay cho người có nhiệm vụ nâng họ lên, để làm cho họ đứng thẳng và đứng vững trong cánh cổng Giêrusalem linh thiêng, nơi họ sẽ không còn phải sợ hãi những cuộc tấn công của lòng kiêu ngạo; tuy nhiên, họ khóc, không phải vì thấy mọi sự mau hư đã trôi đi, nhưng vì ký ức về quê hương thân yêu của họ, về Giêrusalem trên trời, mà họ hằng mơ ước đêm ngày trong cảnh mòn mỏi lưu đầy!

XLIV. Người ta nói rằng phép lạ sẽ củng cố niềm tin của tôi. Họ nói như thế khi chúng ta không thấy phép lạ. Các lý do, nhìn từ xa, dường như hạn chế tầm nhìn của chúng ta, nhưng khi chúng ta đến đó, chúng không còn giới hạn nữa. Chúng ta bắt đầu thấy quá bên kia. Không có điều gì ngăn cản được sự liến thoắng của tâm trí chúng ta. Người ta nói rằng không có quy tắc nào, mà lại không có luật trừ, cũng không có bất cứ sự thật nào dù tổng quát đến đâu mà lại không có phương diện thiếu sót. Đủ để nó không tuyệt đối phổ quát, đủ để cho chúng ta một cái cớ giúp áp dụng ngoại lệ vào chủ đề hiện bàn, và để nói rằng: Điều này không luôn luôn đúng; vì vậy có những trường hợp nó không phải vậy. Chỉ còn cần cho thấy trường hợp này là một; và chúng ta chắc chắn sẽ rất khờ dại nếu một ngày nào đó, không thấy ra điều đó.

XLV. Bác ái không phải là một giới luật theo nghĩa bóng. Nói rằng Chúa Giêsu Kitô, Đấng đến để loại bỏ các hình bóng hòng đặt để sự thật, thực ra chỉ đến để đặt để hình bóng bác ái, và để loại bỏ thực tại đã có trước đó; nói như thế thật là kinh hoàng.

XLVI. Biết bao vọng kính đã khám phá cho chúng ta những vật chưa hề thấy đối với các triết gia của chúng ta trước đây! Người ta từng xấc xược tấn công Kinh thánh vì thấy ở đó, ở rất nhiều nơi, nói đến vô số các vì sao. Họ bảo chỉ có một nghìn hai mươi hai vì sao mà thôi: chúng ta biết điều đó.

XLVII. Con người được tạo ra như thế, để khi nói với họ rằng họ là một kẻ ngốc, họ tin ngay; và, càng tự nói với mình điều đó, họ càng tự tin điều đó. Vì một mình con người mới biết trò chuyện với chính mình, nên điều quan trọng là phải điều chỉnh nó cho tốt: Corrum punt mores bonos colloquia mala [Chơi với kẻ xấu, người tốt cũng ra xấu] (1 Cr 15:33). Phải giữ im lặng bao nhiêu có thể, và chỉ đàm đạo về Thiên Chúa mà thôi; và nhờ vậy chúng ta sẽ tự thuyết phục mình tin có Thiên Chúa.

XLVIII. Đâu là sự khác biệt giữa một người lính và một tu sĩ Chartreux (dòng Thánh Brunô) về sự vâng lời? Vì họ đều vâng lời và tùng phục như nhau, và trong những nhiệm vụ nặng nề như nhau. Nhưng người lính luôn hy vọng trở nên người chỉ huy mà không bao giờ trở nên được (vì các đại úy và các các ông hoàng nữa luôn luôn là các nô lệ và người tùy thuộc); nhưng họ luôn hy vọng được độc lập và luôn cố gắng đạt được điều này; còn các tu sĩ Chartreux có lời khấn không bao giờ sống độc lập. Họ không khác nhau về sự phục vụ vĩnh viễn mà cả hai cùng có, nhưng lòng hy vọng được độc lập thì người này luôn luôn có còn người kia thì không.

XLIX. Ý chí riêng sẽ không bao giờ được thỏa mãn, cả khi nó có mọi thứ nó mong muốn; nhưng chúng ta sẽ thỏa mãn ngay khi từ bỏ ý chí riêng. Với nó, người ta chỉ có thể không hài lòng; không có nó, người ta chỉ có thể hài lòng. Nhân đức đích thực và độc đáo là ghét chính mình, vì người ta đáng ghét bởi tự dục của mình; và tìm kiếm một con người thực sự đáng yêu, để yêu nó. Nhưng, vì chúng ta không thể yêu điều gì ở bên ngoài chúng ta, nên phải yêu một đối tượng ở bên trong chúng ta, nhưng không phải là chúng ta. Thế mà, chỉ có Đấng Phổ Quát mới như vậy mà thôi. Vương quốc Thiên Chúa ở trong chúng ta (Lc 17:21); sự thiện phổ quát ở trong chúng ta, nhưng không phải là chúng ta.

Nên quả không chính đáng khi người ta quyến luyến chúng ta, mặc dù họ làm điều đó một cách vui vẻ và tự nguyện. Chúng ta sẽ lừa dối những người mà chúng ta sẽ tạo ra sự quyến luyến đó nơi chúng ta; vì chúng ta không phải là cùng đích của bất cứ ai cả, và chúng ta không có gì để thỏa mãn họ. Há chúng ta không sẵn sàng chết đó sao? Và như vậy đối tượng của sự quyến luyến của họ sẽ chết theo. Vì chúng ta sẽ có tội khi làm cho người ta tin một điều sai sự thật, mặc dù chúng ta thuyết phục họ một cách êm ái và họ vui lòng tin điều đó, và trong điều đó họ làm cho chúng ta vui: cũng thế chúng ta sẽ có tội, nếu chúng ta lôi cuốn người ta quyến luyến chúng ta. Chúng ta phải cảnh báo những người sẵn sàng đồng ý với một lời dối trá rằng họ không được tin vào điều đó, bất kể chúng ta thu được lợi ích gì từ việc này. Cũng thế, chúng ta phải cảnh báo họ rằng họ không nên quyến luyến với chúng ta; vì họ phải dành cả đời mình để làm đẹp lòng Thiên Chúa, hoặc tìm kiếm Người.

Còn tiếp