MỤC XVII. Những suy nghĩ khác nhau về tôn giáo.
I. Chủ nghĩa Pyrrhon từng phục vụ chính nghĩa tôn giáo; vì xét cho cùng, con người, trước khi Chúa Giêsu Kitô xuất hiện, không biết họ từ đâu, vĩ đại hay nhỏ nhoi. Và những người nói điều này hay điều nọ không biết gì về điều đó, và suy đoán một cách vô cớ và ngẫu nhiên: và tuy nhiên họ vẫn luôn luôn tin, bằng cách loại trừ điều này hay điều nọ.
II. Ai sẽ qui lỗi cho các Kitô hữu đã không thể đưa ra lý do cho niềm tin của họ, khi chính họ tuyên xưng một tôn giáo mà họ không thể đưa ra lý do? Họ tuyên bố ngược lại, bằng cách trình bày nó cho dân ngoại rằng đó là sự ngu xuẩn, stultitiam, v.v.; và sau đó nếu bạn phàn nàn rằng tôn giáo của họ là như thế, thì họ sẽ không chứng minh! Nếu họ có chứng minh điều đó đi nữa, họ cũng sẽ làm sai lạc điều họ quả quyết: chính việc thiếu bằng chứng này làm điều họ nói không thể hiểu được. Đúng; nhưng mặc dù điều này bào chữa cho họ trong việc họ trình bầy nó như họ đã trình bầy và cho việc công bố nó mà không có bằng chứng, nhưng không bào chữa cho những người, dựa vào trình bầy học lý của họ, từ chối tin học lý này.
III. Bạn có tin rằng không thể có việc Thượng đế là vô hạn, không có các bộ phận? Đúng. Do đó, tôi muốn cho bạn thấy một điều vô hạn và không thể phân chia: đó là một điểm di chuyển khắp mọi nơi với một tốc độ vô hạn; vì nó ở khắp mọi nơi, và hoàn toàn ở mỗi một nơi. Hãy để hiện tượng tự nhiên, điều mà thoạt đầu có thể xem ra như không thể, sẽ dẫn bạn đến chỗ nghi ngờ rằng có thể có những chân lý khác mà bạn chưa biết. Trong giai đoạn tập sự của mình, bạn đừng suy diễn cho rằng không còn gì để bạn học biết; nhưng đúng hơn hãy suy diễn rằng có vô số điều để bạn học biết.
IV. Sự ứng xử của Thiên Chúa, Đấng giải quyết mọi sự một cách nhân từ dịu dàng, là ươm đặt tôn giáo vào trí hiểu nhờ lý luận, và vào trái tim nhờ ơn thánh của Người. Nhưng muốn đặt nó vào trái tim và trí hiểu bằng vũ lực và đe dọa, thì không phải là ươm đặt tôn giáo, mà là ươm đặt khủng bố. Hãy bắt đầu bằng cách thương hại những người không tin: họ đã đủ bất hạnh rồi. Họ chỉ nên bị xúc phạm nếu điều đó hữu ích; nhưng thực ra, điều này luôn làm hại họ. Tất cả đức tin đều bao gồm trong Chúa Giêsu Kitô và Ađam; và tất cả nền luân lý bao gồm trong tư dục và ơn thánh.
V. Trái tim có các lý lẽ của nó mà lý lẽ không biết; người ta cảm nhận điều này theo hàng nghìn cách. Nó yêu hữu thể phổ quát một cách tự nhiên; và yêu bản thân một cách tự nhiên, khi nó muốn; nhưng nó tùy hứng chống lại cả hai một cách cứng rắn. Bạn bác bỏ điều này và duy trì điều kia: điều ấy có phù hợp với lý lẽ không?
VI. Thế giới tồn tại để thực thi lòng thương xót và sự phán xét: con người không bị cư xử như họ đang bị cư xử nếu họ vẫn y như lúc họ phát xuất từ bàn tay của Thiên Chúa, nhưng như kẻ thù của Người, Thiên Chúa, vì lòng thương xót, ban cho họ ánh sáng đủ để trở lại với Người, nếu họ sẵn sàng muốn tìm kiếm và tuân theo Người; nhưng đủ để trừng phạt họ, nếu họ từ chối tìm kiếm và tuân theo theo Người.
VII. Hãy để con người muốn nói gì thì nói, nhưng tôi phải thú nhận rằng có một điều gì đó đáng kinh ngạc trong Kitô giáo! Một số người cho rằng “ông có thiên kiến đề cao tôn giáo này vì ông sinh ra trong đó”. Không, trái lại; tôi khảo sát nó rất kỹ, kẻo thiên kiến sẽ dẫn tôi vào sai lầm. Nhưng, mặc dù tôi sinh ra trong đó, tôi không thể không thấy nó như tôi khẳng định.
VIII. Có hai cách thuyết phục người ta để họ tin sự thật của tôn giáo chúng ta: một bằng sức mạnh của lý lẽ, cách khác bằng thẩm quyền của người nói. Chúng ta không sử dụng cách thứ hai, nhưng cách đầu tiên. Chúng ta không nói: phải tin điều đó vì Kinh thánh, tức Kinh nói điều đó, là lời Thiên Chúa. Nhưng chúng ta nói: phải tin điều đó bởi lý lẽ này hoặc lý lẽ nọ. Đây là lý luận yếu ớt, vì lý lẽ có thể bị lèo lái đủ cách.
Dường như những người phản đối vinh quang của tôn giáo nhiều nhất sẽ không vô dụng đối với người khác. Chúng ta sẽ đưa ra lập luận đầu tiên cho rằng có một điều gì siêu nhiên trong tác phong của họ; vì sự mù quáng loại này không phải là điều tự nhiên; và nếu sự điên rồ của họ khiến họ trở nên trái ngược với lợi ích của chính họ, nó sẽ giúp bảo vệ người khác khỏi điều đó bằng cách kích thích sự kinh hoàng đối với một tấm gương đáng trách và một sự điên rồ đáng thương hại như thế.
IX. Nếu không có Chúa Giêsu Kitô, thế giới sẽ không tiếp tục hiện hữu; vì nhất thiết nó sẽ bị phá hủy hoặc giống như địa ngục.
Có phải kẻ duy nhất biết bản chất của mình sẽ chỉ biết nó khốn cùng? Có phải kẻ duy nhất biết bản chất của mình là người duy nhất bất hạnh?
Con người không cần thấy điều gì cả; họ cũng không cần thấy đủ để tin rằng họ sở hữu sự thật; nhưng họ nên thấy đủ để biết mình đã đánh mất nó; vì biết điều mình đã mất, người ta phải thấy và không thấy cùng một lúc; và đấy chính là thân phận của bản chất ta.
Tôn giáo đích thực phải dạy con người về sự vĩ đại và khốn cùng của họ; nó phải dẫn họ đến lòng tự trọng và sự khinh miệt chính họ, đến tình yêu và lòng thù hận chính họ.
Tôi thấy Kitô giáo được xây dựng trên một tôn giáo trước đây, và đó là bằng chứng nó có sự thật.
Ở đây tôi không nói về những phép lạ của Môsê, của Chúa Giêsu Kitô và của các Tông đồ; bởi vì thoạt nhìn, xem ra chúng không có tính thuyết phục, và tôi chỉ muốn đề nghị trình bầy ở đây mọi chứng cớ nền tảng của Kitô giáo mà không ai có thể nghi ngờ.
X, Tôn giáo là một đối tượng có tính vĩ đại đến nỗi những ai không chịu khó tìm kiếm nó, nếu thấy nó mờ mịt, đáng bị lấy mất nó. Vậy thì, chúng ta phàn nàn điều gì, nếu nó là một đối tượng chỉ có thể tìm thấy bằng cách đi tìm nó?
Kiêu căng đối trọng và nâng đỡ chúng ta chống lại mọi khốn cùng của ta. Con người quả là một loài kỳ lạ, và là một sai lầm tỏ tường xiết bao! Quả họ đã rơi khỏi vị trí cao cả của mình, và hốt hoảng tìm kiếm nó trở lại!
Vì nhân loại sống trong sư sa đọa, nên đúng ra mọi người phải biết điều đó; cả những người bằng lòng với nó, lẫn những người không bằng lòng với nó. Nhưng không phải là chuyện công bằng khi ai cũng thấy ơn cứu chuộc.
Khi nói rằng Chúa Giêsu Kitô không chết cho mọi người, bạn đang ủng hộ một ngụy biện của những người ngay lập tức biến họ thành một ngoại lệ; điều này chỉ thúc đẩy sự thất vọng, thay vì chuyển hướng họ hướng tới hy vọng.
XI. Những người vô đạo, những người mù quáng phó mình cho các đam mê của họ mà không biết Thiên Chúa và không thèm tìm kiếm Người, hãy tự mình kiểm chứng nền tảng đức tin mà họ chống lại này: đó là bản chất con người là sống trong trạng thái sa đọa. Và những người Do Thái, những người cố chấp chống lại Kitô giáo, xác minh thêm một nền tảng khác của cùng một đức tin mà họ tấn công: đó là Chúa Giêsu Kitô là Đấng Mêxia thật, và Người đã đến để cứu chuộc loài người, và kéo họ ra khỏi sự sa đọa và nỗi khốn cùng họ mắc phải, bởi cả thân phận hiện nay của họ, từng được tiên đoán trong các lời tiên tri, lẫn bởi những lời tiên tri hiện họ nắm giữ, và được họ gìn giữ một cách bất khả xâm phạm và bao gồm các dấu ấn để nhận ra Đấng Mêxia. Như thế, các bằng chứng về sự sa đọa của con người và về sự cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, là hai chân lý chính mà Kitô giáo đã thiết lập, được rút ra từ những kẻ vô đạo sống thờ ơ với tôn giáo, và từ những người Do Thái vốn là các kẻ thù không thể hòa giải của nó.
XII. Trong tình trạng vô tội của họ, phẩm giá con người hệ ở việc thống trị các tạo vật, và trong việc sử dụng chúng; nhưng ngày nay nó hệ ở việc tách khỏi chúng và khuất phục chúng.
XIII. Có nhiều người còn sai lầm một cách nguy hiểm hơn nữa đến nỗi lấy một sự thật làm nguyên tắc cho sai lầm của họ. Lỗi của họ không phải là theo sự giả mạo, mà là theo một sự thật để loại trừ sự thật khác. Có rất nhiều chân lý cả trong đức tin lẫn luân lý, có vẻ đáng ghét và mâu thuẫn, nhưng tất cả đều tồn tại một cách hòa hợp đáng ngưỡng mộ. Nguồn gốc của tất cả các dị giáo là việc loại trừ một số trong các sự thật này; và nguồn gốc của tất cả những phản bác mà những kẻ dị giáo gây ra cho chúng ta là sự thiếu hiểu biết một số trong các chân lý của chúng ta. Và thường xảy ra là, vì không thể quan niệm được mối liên hệ giữa hai chân lý đối lập, và vì tin rằng việc chấp nhận chân lý này bao hàm phải loại trừ chân lý kia, họ trở nên gắn bó với chân lý này, và loại trừ chân lý kia. Phái Nestoriô muốn có hai ngôi trong Chúa Giêsu Kitô, bởi vì Người có hai bản tính; và người Eutychiô, ngược lại, cho rằng chỉ có một bản tính duy nhất, bởi vì chỉ có một ngôi duy nhất. Người Công Giáo là Chính thống vì họ hợp hai chân lý về hai bản tính và một ngôi vị lại với nhau. Chúng ta tin rằng bản thể của bánh biến đổi thành bản thể của thân thể Chúa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, nó hiện diện thực sự trong Bí Tích Thánh. Đây là một trong các sự thật. Một sự thật khác nữa là, bí tích này cũng là hình bóng của thập giá và vinh quang, và là một tưởng niệm của cả hai. Đó là đức tin Công Giáo, bao gồm hai chân lý xem ra đối lập nhau. Phe lạc giáo ngày nay, vì không quan niệm rằng bí tích này chứa đựng tất cả mọi sự với nhau, cả sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, lẫn hình bóng của Người, nghĩa là cùng một lúc cả sự hy sinh lẫn việc tưởng niệm sự hy sinh ấy, nên tin rằng người ta không thể thừa nhận một trong những chân lý này mà không loại trừ chân lý kia.
Vì lý do này, họ gắn bó với điểm này, là Bí tích chỉ có nghĩa bóng; và về điều này họ không phải là dị giáo. Họ nghĩ rằng chúng ta nên loại trừ sự thật này; và do đó, họ phản đối chúng ta rất nhiều về những đoạn văn của các Giáo phụ nói điều đó. Cuối cùng họ phủ nhận sự hiện diện thực sự; và trong điều này họ là những kẻ dị giáo.
Đó là lý do tại sao cách ngắn nhất để ngăn chặn dị giáo là giáo huấn về mọi sự thật; và cách chắc chắn nhất để phản bác họ là tuyên bố mọi sự thật. Ơn thánh sẽ luôn hiện hữu trong thế giới, và thiên nhiên cũng vậy. Sẽ luôn có người Pelagiô và luôn luôn có người Công Giáo, vì lần sinh thứ nhất tạo nên những người đầu, và lần sinh thứ hai tạo nên những người sau.
Đây là Giáo Hội, cùng với Chúa Giêsu Kitô, Đấng không thể tách biệt khỏi Giáo Hội, đáng được sự hoán cải của tất cả những người hiện không ở trong tôn giáo đích thực; và rồi chính những người trở lại đạo này sẽ giúp đỡ người mẹ đã sinh ra họ. Thân thể không thể sống động nếu không có đầu, giống như đầu không thê sống động mà không có thân thể. Ai tách khỏi điều này hay điều kia thì không còn thuộc về thân thể, và không còn thuộc về Chúa Giêsu Kitô. Tất cả các nhân đức, ơn tử đạo, các tu hành nhiệm nhặt, và mọi việc lành, đều vô ích nếu ở bên ngoài Giáo hội, và ở bên ngoài sự hiệp thông với vị đứng đầu Giáo hội, là Đức Giáo Hoàng.
Một trong những sự khiếp đảm của những kẻ bị trầm luân là bị lên án bởi lý lẽ của chính họ, lý lẽ qua đó, họ có cao ngạo kết án Kitô giáo.
XIV. Có một điểm chung giữa cuộc sống bình thường của con người và của các thánh, đó là tất cả mọi người đều khao khát hạnh phúc; và họ chỉ khác nhau về đối tượng họ đặt nó vào. Cả hai đều gọi mọi sự là kẻ thù của họ khi ngăn cản họ đến được hạnh phúc.
Chúng ta phải xét đoán tốt hay xấu theo ý muốn của Thiên Chúa, Đấng không thể bất công cũng không mù quáng; chứ không theo ý riêng của chúng ta, những người luôn đầy rẫy những ác tâm và sai lầm.
XV. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu Kitô vốn đã cho ta dấu hiệu này để nhận ra những người có đức tin, đó là họ sẽ nói một ngôn ngữ mới; và quả thực, sự đổi mới các suy nghĩ và mong muốn tự nhiên tạo ra việc canh tân ngôn ngữ. Vì những điều mới lạ này, những điều làm nó không thể làm mất lòng Thiên Chúa, cũng như con người cũ không thể làm hài lòng Người, những điều mới lạ ấy khác với những điều mới lạ của trái đất, ở chỗ mọi sự trong thế giới, dù có mới đến đâu, cũng cũ đi theo thời gian: trong khi tinh thần được canh tân này càng tiếp tục hiện hữu thì càng được đổi mới. Thánh Phaolô nói: Con người bên ngoài bị hủy diệt (2 Cr 4:16), còn con người bên trong được đổi mới hàng ngày; nhưng nó sẽ chỉ hoàn toàn đổi mới trong cõi vĩnh cửu mà thôi, nơi chúng ta sẽ không ngừng hát bài ca mới này mà Đavít từng nói đến trong các thánh vịnh của ngài (Tv 32:3), nghĩa là bài hát khởi đi từ tinh thần bác ái mới.
XVI. Khi Thánh Phêrô và các tông đồ (Cv 15) nghị bàn việc bỏ phép cắt bì, và liệu nó có trái với lề luật Thiên Chúa hay không, các vị đã không hỏi ý kiến các tiên tri, mà chỉ đơn giản căn cứ vào việc tiếp nhận Chúa Thánh Thần trong con người của người không cắt bì. Các vị phán đoán một cách chắc chắn hơn rằng Thiên Chúa chấp thuận những người được Người đổ đầy Chúa Thánh Thần chứ không phải những người tuân giữ lề luật; các vị biết rằng cùng đích của lề luật chỉ là Chúa Thánh Thần; và do đó, vì người ta đã có Người mà không cần cắt bì, nên cắt bì không cần thiết.
XVII. Hai luật đủ để điều hành toàn bộ nền cộng đồng Kitô giáo, tốt hơn mọi đạo luật chính trị: tình yêu Thiên Chúa, và tình yêu người lân cận. Kitô giáo được thích ứng với mọi loại tâm trí. Điểm chung của con người là hài lòng với tình trạng và định chế (établissement) hiện tại; và tôn giáo của chúng ta hay đến nỗi một mình định chế của nó đủ để chứng minh sự thật của nó. Nhiều người khác thấy nó có từ thời kỳ tông đồ. Những người thông sáng hơn thấy nó có từ lúc khởi đầu của thế giới. Các thiên thần còn thấy nó nhiều hơn thế, và từ xa hơn; vì các vị thấy nó trong chính Thiên Chúa. Những người được Thiên Chúa ban cho tôn giáo từ tâm tình của trái tim là những người rất hạnh phúc và rất được thuyết phục. Nhưng đối với những người không được diễm phúc này, chúng ta chỉ có thể cung cấp nó cho họ qua lý luận, tin tưởng rằng chính Thiên Chúa sẽ in nó vào lòng họ; nếu không, đức tin sẽ vô ích cho ơn cứu rỗi.
Để dành cho mình quyền dạy dỗ chúng ta, và để làm cho mầu nhiệm về thân phận chúng ta trở nên khó hiểu, Thiên Chúa đã giấu chúng ta cái nút thắt này cao đến mức, hay nói tốt hơn, thấp đến mức chúng ta không thể với tới được. Đến nỗi, không phải bởi sự kích động của lý trí của chúng ta, nhưng bằng sự phục tùng đơn thuần của lý trí, chúng ta mới có thể thực sự biết chính mình.
XVIII. Những người vô đạo tức những người tuyên bố tuân theo lý trí hẳn phải là những người mạnh mẽ một cách kỳ lạ về lý trí. Vậy họ muốn nói gì? Họ nói, há chúng ta không thấy, động vật cũng như con người, người Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Kitô hữu đều chết và sống đó sao? Họ cũng có các nghi lễ riêng, các tiên tri riêng, các tiến sĩ riêng, các thánh riêng, tôn giáo riêng, như chúng ta, v.v. Điều này có chống lại Kinh thánh không? Há Kinh Thánh đã không nói tất cả những điều này sao? Nếu bạn không quan tâm chi đến việc biết sự thật, thì điều đó đủ để bạn nghỉ ngơi. Nhưng nếu bạn hết lòng muốn biết sự thật, thì điều đó chưa đủ; bạn phải đi vào chi tiết. Có lẽ sẽ đủ đối với một suy diễn triết học viển vông; nhưng ở đây, liên quan đến mọi điều... Và tuy nhiên, sau một suy tư hời hợt kiểu này, người ta lại vui chơi trở lại, v.v. Thật là một điều kinh khủng khi cảm thấy tất cả những gì người ta có đều đã trôi đi; nhưng chúng ta vẫn gắn bó với chúng, mà không muốn tìm kiếm xem liệu có thứ gì đó vĩnh viễn hay không.
Phải sống cách khác trên thế giới này theo những giả định khác nhau này: Liệu chúng ta có thể luôn luôn ở đó; liệu có chắc chắn chúng ta sẽ không ở đó lâu; và không chắc liệu chúng ta có ở đó trong một giờ hay không. Giả định cuối cùng là giả định của chúng tôi.
XIX. Với giả thiết nào, bạn cũng phải chịu khó tìm kiếm sự thật: vì nếu bạn chết mà không tôn thờ nguyên lý đích thực, bạn sẽ hư mất. Nhưng bạn nói, nếu Người muốn tôi thờ lạy Người, hẳn Người phải để lại cho tôi những dấu hiệu của thánh ý Người chứ. Người đã làm như thế; nhưng bạn làm ngơ chúng. Ít nhất bạn hãy tìm kiếm chúng; điều này đáng làm lắm. Người vô thần hẳn phải có những lý do hoàn toàn rõ ràng cho các tâm tư của họ. Tuy nhiên, hẳn người đó phải đánh mất mọi lương tri mới dám quả quyết rằng hoàn toàn rõ ràng là linh hồn không bất tử. Tôi sẽ không bắt lỗi bất cứ ai vì đã không dò tìm tận đáy các ý kiến của Copernicus: nhưng điều quan trọng đối với trọn cuộc sống là phải biết linh hồn tử sinh hay bất tử.
XX. Những lời tiên tri, cả những phép lạ, và những bằng chứng khác của tôn giáo chúng ta, không thuộc loại mà người ta có thể nói chúng có sức thuyết phục về mặt hình học. Nhưng hiện nay, tôi hài lòng nếu bạn chịu cho rằng việc tin chúng không phải là tội phạm đến lý trí. Chúng có cả ánh sáng lẫn bóng tối, để soi sáng những người này và làm tối tăm những người khác. Nhưng sự rõ ràng của chúng ở mức vượt qua, hoặc ít nhất là ngang bằng bất cứ sự rõ ràng nào ở phía đối nghịch; để lý trí không thể quyết định không chấp nhận chúng; và quả thực, có lẽ việc họ bác bỏ chỉ là vì tư dục và ác tâm của trái tim. Vì vậy, có đủ sự rõ ràng để lên án những người không chịu tin, và không đủ để thu phục họ; để chứng tỏ rằng nơi những người theo ánh sáng, chính ơn thánh, chứ không phải lý trí, đã khiến họ tuân theo nó; và nơi những người trốn chạy ánh sáng, chính tư dục, chứ không phải lý trí khiến họ trốn chạy.
Ai có thể không ngưỡng mộ và đón nhận một tôn giáo biết giải thích trọn vẹn các điều mà chúng ta biện phân được thực tại của chúng, theo tỷ lệ thuận với việc gia tăng soi sáng của chúng ta?
Người nào tìm thấy bằng chứng của Kitô giáo cũng giống như người thừa kế tìm thấy các văn tự của di sản mình. Liệu anh ta có nói rằng chúng là giả mạo không? và liệu anh ta có làm ngơ việc khảo sát chúng không?
XXI. Có hai hạng người biết Thiên Chúa: những người có tấm lòng khiêm nhường, và những người ưa khinh miệt và bị hạ thấp, bất chấp họ có mức độ hiểu biết nào, thấp hay cao; hoặc những người có đủ thông minh để nhìn ra sự thật, bất chấp họ có thể bị phản đối. Các nhà hiền triết trong các dân ngoại, những người nói rằng chỉ có một Thiên Chúa, đã bị bách hại, người Do Thái bị ghét bỏ, các Kitô hữu thậm chí còn bị ghét bỏ nhiều hơn thế.
XXII. Tôi không thấy có khó khăn nào trong việc tin vào sự phục sinh của thân xác và việc vừa thụ thai lạ lùng vừa trinh khiết của Đức Trinh Nữ lớn hơn là sự khó khăn tin vào việc sáng thế. Tái tạo một người có khó khăn hơn là sản sinh ra họ không? Và nếu chúng ta không biết cách thế sinh đẻ thông thường, liệu chúng ta có thấy lạ khi một đứa trẻ sinh từ một mình cô gái, hơn là từ một người nam và một người nữ?
XXIII. Có một sự khác biệt lớn giữa sự nghỉ ngơi và lương tâm an ổn. Không có gì có thể cho ta sự yên nghỉ ngoại trừ sự chân thành tìm kiếm sự thật, và không có gì có thể đảm bảo ngoài việc sở hữu được sự thật.
Có hai chân lý đức tin không thể thay đổi như nhau: một là con người, trong tình trạng sáng thế, hoặc trong tình trạng ơn thánh, được nâng cao hơn mọi tạo vật, được tạo dựng giống như Thiên Chúa, và được tham dự vào Thần tính; hai là con người trong tình trạng sa đọa và tội lỗi, họ bị rơi khỏi tình trạng trên, và bị biến thành tương tự như loài thú. Hai mệnh đề này đều vững vàng và chắc chắn. Kinh thánh tuyên bố chúng rõ ràng với chúng ta, khi nó nói ở một vài nơi: Deliciæ meæ, esse cum filiis hominum [ta đùa vui với con cái loài người] (Cn 8:31). Effundam Spiritum meum super omnem carnem [Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm] (St, 3:1). Dii estis, [các ngươi đây đều là bậc thần linh] v.v. (Tv 82: 6.) Và nó nói ở những chỗ khác: Omnis caro foenum [Người phàm nào cũng đều là cỏ] (Is. 40:6). Homo comparatus est jumentis insipientibus, et similis factus est illis [ con người giống như những thú vật không có lương tri, và trở nên giống như chúng] (Tv 48:13). Dixi in corde meo de filiis hominum, ut probaret eos Deus, et ostenderet smiles esse bestiis [Về con cái loài người, tôi tự nhủ: Thiên Chúa muốn thử thách họ và cho họ thấy chính họ chỉ là thú vật mà thôi v.v. (Gv 3: 18)].
XXIV. Những điển hình về cái chết đại lượng của những người Laconie và những người khác hầu như không làm chúng ta cảm động; bởi vì tất cả những điều ấy là những gì đối với chúng ta? Nhưng tấm gương về cái chết của các thánh tử đạo làm chúng ta cảm động; bởi vì họ là thành viên của chúng ta. Chúng ta có một mối liên kết chung với họ: sự quyết tâm của họ có thể tạo nên sự quyết tâm của riêng chúng ta. Điển hình về những người ngoại đạo không có gì là như vậy cả: chúng ta không có mối liên hệ nào với họ; như sự giàu có của một người xa lạ không làm nên sự giầu có của chúng ta, mà là sự giầu có của một người cha hoặc một người chồng.
Còn tiếp